Nhiều người thắc mắc Hà Giang có gì mà lại trở thành thành phố du lịch nổi tiếng nhất khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Ngay tại bài viết này 2trip sẽ trả lời câu hỏi “Hà Giang có gì?”, hay “Tại sao thành phố này lại hấp dẫn du khách đến vậy?”.
Hà Giang là thành phố địa đầu của Tổ Quốc, nơi có điểm cực Bắc của Việt Nam, tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc. Thuộc vùng núi phía Đông Bắc nước ta, cách thủ đô Hà Nội khoảng hơn 300km, Hà Giang có độ cao trung bình khoảng 2000m so với mực nước biển với đại hình núi cao và cao nguyên đá vôi chiếm phần lớn.
Hiện nay Hà Giang có 1 thành phố, 10 huyện, 05 phường, 13 thị trấn và 177 xã. Đây là nơi cư trú của 24 dân tộc khác nhau, chủ yếu là dân tộc thiểu số, trong đó chiếm phần lớn là các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao, Hoa, La Chí…Đặc biệt, có một số dân tộc chỉ có thể tìm thấy ở Hà Giang hoặc sinh sống chủ yếu ở đây là Pà Thẻn, Lô Lô, Pu Péo, Bố Y, Phù Lá…
Từ thời Vua Hùng, Hà Giang đã là phần đất thuộc quốc gia Lạc Việt ta khi ấy. Đến thế kỉ 15, nơi đây được gọi là Bình Nguyên, về sau đổi tên thành Vị Xuyên. Vào cuối thế kỉ 17, tộc trưởng người Thái dâng vùng đất này cho Trung Hoa. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, mãi đến năm 1895 Hà Giang mới có ranh giới được phân định như hiện nay.
Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng những cảnh sắc núi non hùng vĩ làm say lòng người. Cùng với đó là những công trình, di tích đậm dấu ấn phát triển của các quá trình lịch sử. Mỗi năm, Hà Giang đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến khám phá những vùng đất tuyệt đẹp này cũng như là tìm hiểu về con người và nét văn hóa bản địa đặc sắc nơi đây.
Thuộc khu vực miền núi phía Bắc nước ta, nên Hà Giang cũng có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông trong năm. Vậy du lịch Hà Giang mùa nào đẹp nhất? Mỗi mùa Hà Giang lại biết cách hấp dẫn du khách bởi những nét đẹp khác nhau của mình. Cùng điểm qua xem cảnh sắc Hà Giang có gì vào mỗi mùa khác nhau nhé.
Mùa xuân là lúc Hà Giang chìm trong sắc hồng, sắc trắng của hoa đào, hoa mận, hoa lê. Khoảng tháng 1, tháng 2 là lúc hoa đào nở rộ, báo hiệu một mùa xuân đang về. Đến tháng 3, khi hoa đào vừa tàn, hoa mận, hoa lê lại đua nhau nở phủ trắng khắp những cánh rừng.
Mùa hè, Hà Giang lại được phủ một màu xanh mướt bởi những nương ngô mới trỗ, báo hiệu một mùa vụ bội thu sắp tới. Ngoài ra, nếu đến đây vào khoảng cuối tháng 5, bạn sẽ được ngắm nhìn khung cảnh yên bình nhưng cũng không kém phần lấp lánh của những thủa ruộng bậc thang khi vào “mùa nước đổ”.
Đến cuối thu, khoảng tháng 9, 10, là thời điểm du khách đổ xô về Hà Giang để chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín vàng trải dài trên khắp các bản làng. Vào mùa lúa chín, nơi đây thưởng tổ chức các lễ hội với rất nhiều hoạt hộng đặc sắc như bay dù lượn trên ruộng bậc thang, thi cắt lúa, văn nghệ giao lưu…hấp dẫn sự tham gia của đông đảo khách du lịch.
Những ngày đông, Hà Giang lại mang một khung cảnh lãng mạn hơn bao giờ hết. Đây là mùa hoa Tam Giác Mạch đang nở rộ trên khắp các thung lũng. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm lý tưởng để đến Hà Giang săn mây. Không quá khó để bắt gặp những biển mây trắng xóa, từ các cung đèo hoặc đỉnh núi cao.
Với địa hình núi cao, ở Hà Giang có vô vàn những cung đèo, con dốc uốn lượn quanh các đồi núi. Những cung đường ở đây nổi tiếng với những khúc cua gắt và dộ dốc đáng kinh ngạc. Vì vậy Hà Giang luôn là điểm đến được lựa chọn cho những chuyến đi phượt đường dài của các bạn trẻ.
Được mệnh danh là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Mã Pí Lèng là cái tên không còn xa lạ với những ai đam mê phượt. Cung đèo này nằm trên quốc lộ 4C đoạn qua xã Pả Vi và xã Pải Lủng thuộc huyện Mèo Vạc. Ở độ cao khoảng 1.200 – 1.400m và có chiều dài khoảng 20 km đây luôn là cung đường mà bất kỳ tay lái nòa cũng muốn chinh phục khi đến Hà Giang.
Dốc Thẩm Mã nằm trên con đường nối thành phố Hà Giang và huyện Mèo Vạc, nổi tiếng với độ ngoằn nghèo và nguy hiểm bậc nhất. Bên cạnh đó, con dốc này còn sở hữu phong cảnh núi non trùng điệp cùng những khúc cua uốn lượn đẹp mắt nên đây là điểm dừng chân được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Một con dốc nổi tiếng không kém ở Hà Giang về độ nguy hiểm, đó là dốc Bắc Sum. Với chiều dài lên tới 7km đây là con dốc dài nhất vùng cao nguyên đá này. Gần cuối con dốc này có một điểm dừng chân thu hút đông đảo du khách là “Check in Bac Sum Pass”, đây là tổ hợp nhà hàng và điểm check in với nhiều mô hình sống ảo phục vụ khách du lịch.
Xem thêm: Con Đường Hạnh Phúc Hà Giang | Con Đường Huyền Thoại Của Thế Kỷ 20
Hang động Lùng Khúy được mệnh danh là hang động đẹp nhất ở Hà Giang. Được phát hiện vào năm 2015, hang có chiều dài hơn 300m với nhiều hệ thống nhánh rẽ khác nhau. Nơi đây thu hút được đông đảo du khách tìm đến bởi vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ. Những tầng nhũ đá tự nhiên với hình thù lạ mắt tạo nên một vẻ đẹp thiên nhiên hiếm thấy.
Hang Nà Luồng hay hang Nà Luông là địa điểm nổi tiếng ở huyện Yên Minh, Hà Giang. Hang động Nà Luồng gồm 7 hang độc lập, liền kề. Cửa chính hang rộng gần 30 mét, cao 15 mét được bao bọc bởi nhiều loại dây leo, gỗ quý tạo nên vẻ kỳ bí, chờ đợi du khách đến khám phá. Trong hang có nhiều nhũ đá hình con lợn, con trâu, con cá…tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ thú nhưng lại rất gần gũi, thân thuộc.
Ở Yên Minh, Hà Giang có một động Én với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, chưa đươc nhiều người biết tới. Động Én nằm sâu trong một hang đá, ở giữa là một hồ nước xanh ngọc bích với bãi đất phẳng, đây là địa điểm cắm trại lý tưởng dành cho các phượt thủ.
Hang Nặm Pạu nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang. Đây được cho là hang động lớn nhất Hà Giang, hiện mới có ba ngách hang được khám phá, nhưng diện tích đã rộng tới hàng chục nghìn m2. Cửa hang chỉ rộng trên 10 m, nhưng càng vào sâu lòng hang càng cao, rộng.
Xem thêm: Hang Thiên Thuỷ Hà Giang | Danh Lam Thắng Cảnh Quốc Gia Tại Huyện Xín Mần
Hồ Noong là một hồ nước ngọt tự nhiên, nằm trên dãy núi Tây Côn Lĩnh, thuộc địa phận xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đến đây bạn sẽ được đi thuyền, ngắm nhìn khung cảnh mặt hồ trong xanh, tĩnh lặng và khám phá khu vực nuôi thủy sản của người dân ngay trên mặt hồ.
Thác Tiên hay thác Táng Tinh nằm ở địa phận xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, cách trung tâm thị trấn Cốc Pài 17km. Thác Tiên bắt nguồn từ suối Tả Ngán (tỉnh Lào Cai), khi chảy qua vách núi tại Đèo Gió, dòng suối đổ xuống, tạo thành một dòng thác tuyệt đẹp. Tại khu vực chân thác đã được xây dựng một cây cầu bằng xi măng kiên cố để đảm bảo an toàn cho du khách khi khám phá thác.
3. Thác Thí
Thác Thí toạ lạc tại thôn Tân Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang. Thác gồm 4 tầng thác, với dòng chảy kéo dài khoảng 7km, tựa như một dải lụa trắng giữa cánh rừng nguyên sinh trên dãy Tây Côn Lĩnh. Với độ dốc khoảng 35 – 45 độ, đây là địa điểm được những du khách ưa mạo hiểm tìm đến để thực hiện những thử thách trekking vượt thác.
Dinh thự họ Vương là dinh thự của Vua Mèo Vương Chính Đức, là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông vào cuối thế kỷ 19. Trải qua gần một thế kỷ, dinh thự vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn với 6 căn nhà dọc 2 tầng, được chia thành 64 buồng nhỏ.
Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng, tại huyện Đồng Văn. Đây là một công trình mang ý nghĩa quan trọng, được xây dựng vào thời vua Lý Thường Kiệt nhằm mục đích đánh dấu chủ quyền phía Bắc nước ta. Trải qua nhiều lần tôn tạo, hiện nay cột cờ có chiều cao 33,15 m, trên đỉnh là lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam.
Căng Bắc Mê là địa bàn căn cứ được thực dân Pháp xây dựng trên khu vực sườn núi Rồng, thuộc xã Yên Cường huyện Bắc Mê. Đây từng là nơi được thực dân Pháp sử dụng để làm nhà tù chính trị, nơi giam giữ những chiến sĩ yêu nước của ta. Đến đây du khách không chỉ được tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn được chiêm ngưỡng được vẻ đẹp cổ kính của lối kiến trúc Pháp còn được lưu giữ.
Chùa Sùng Khánh là nơi gắn liền với lịch sử hai thời đại Lý – Trần và hệ tư tưởng Phật giáo thời kỳ đó. Chùa chính thức được khởi công xây dựng vào tháng Giêng năm 1356 với lối kiến trúc đơn giản hiếm có. Năm 1989, chùa được xây dựng trên nền đất cũ nhưng vẫn giữ nguyên theo kiến trúc cũ, chùa chỉ có một gian chánh điện cao 4.3mét với một cửa chính, hai cửa phủ.
Sông Nho Quế được coi là biểu tượng xanh của thành phố Hà Giang. Sông bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua địa phận 2 huyện là Đồng Văn và Mèo Vạc của Hà Giang. Dòng sông xanh màu ngọc bích, chảy uốn lượn giữa những dãy núi đá vôi, tạo nên khung cảnh kỳ vĩ, đẹp tựa một bức tranh. Du khách có thể trải nghiệm đi thuyền trên sông Nho Quế để cảm nhận hết vẻ đẹp nơi đây và có những bức hình sống ảo “hút like” nhất.
Mỏm đá tử thần là địa điểm check in hot hit tong thời gian gần đây dành cho team yêu thích sụ mạo hiểm. Đây là một mỏm đá nằm treo leo giữa vách núi tại cuối đèo Gió. Tảng đá nhẵn nhụi, đâm ra từ núi đá, một bên là núi, một bên là vực sâu. Đến được đây đã không dễ dàng, nhưng để có can đảm ngồi lên mỏm đá này thù không phải ai cũng có thể làm được.
Cây cô đơn Hà Giang là một trong những cây cô đơn được check in nhiều nhất của Việt Nam. Nằm ngay bên cạnh quốc lộ 4C, đoạn qua xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ Thân. Thân cây thẳng đứng, với những tán lá rộng, vươn mình giữa vách núi, giống như một biểu tượng cho sự hiên ngang của Hà Giang.
Xem thêm: Chiêu Lầu Thi Hà Giang | Đỉnh Núi Cao Thứ 2 Của Vùng Đông Bắc
Làng Lùng Tám là một ngôi làng nhỏ tại xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ với nghề dệt vải lanh thổ cẩm truyền thống. Đến đây, du khách sẽ được chứng kiến toàn bộ quy trình làm ra loại vải lanh chất lượng. Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia vào làm một số công đoạn dệt vải và mua các sản phẩm từ vải lanh như túi, mũ, khăn…ngay tại các hộ dân trong làng về làm quà.
Làng Lô Lô Chải là điểm đến văn hóa du lịch cộng đồng ngày càng được nhiều người biết ở Hà Giang. Làng nằm dưới chân núi Rồng, cách cột cờ Lũng Cú chỉ khoảng 1km. Đây là nơi sinh sống của dân tộc người Lô Lô từ bao đời nay. Những ngôi nhà trình tường lợp mái máng đơn sơ, nằm giữa thung lũng được bao phủ bởi những ruộng hoa cúc cam thơ mộng.
Du Già là một xã vùng cao ở huyện Yên Minh, nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp căng tràn sức sống của thiên nhiên cùng với những đoạn cua gấp khúc chữ M trên đường tới làng. Tại Du Già, bạn có thể thực hiện một cuộc trekking nhỏ để đến thác Thàng Luông. Dù không phải là một ngọn thác lớn, nhưng vẻ đẹp của thác chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Làng Thiên Hương (hay còn gọi là làng Mã Pắng), là ngôi làng cổ đã hơn 100 năm tuổi ở huyện Đồng Văn. Ngôi làng vẫn còn nguyên đẹp cổ kính với những vách nhà làm bằng đất và mái ngói âm dương. Làng Thiên Hương có truyền thống làm rượu ngô lâu đời, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức vị cay nồng đặc biệt của loại rượu ngô được làm từ ngô nương và loại men từ 30 loại lá rừng khác nhau khi đến với làng.
Làng Pả Vi cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 160km. Đây là nơi sinh sống của hơn 30 hộ dân người Mông, các hộ trong làng đều làm du lịch cộng đồng với nhiều homestay và dịch vụ du lịch văn hóa đặc sắc. Làng có tổng diện tích hơn 46.000 m2, được xây dựng theo hình lục giác độc đáo. Các homestay được thiết kế theo kiến trúc nhà cột kèo gỗ 2 tầng của người Mông cùng với tường rào bằng đá kiên cố.
Là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc lại có những lễ hội riêng mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hiện nay, Hà Giang có 39 lễ hội được tổ chức thường xuyên với quy mô lớn, thu hút khách du lịch. Trong đó, 5 lễ hội Hà Giang đặc sắc nhất phải kể đến là lễ hội hoa Tam Giác Mạch, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội nhảy lửa, lễ hội mùa lúa chín và chợ tình Khâu Vai.
Lễ hội hoa tam giác mạch là lễ hội hoa lớn nhất ở Hà Giang. Được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa biểu tượng của thành phố Hà Giang và lan tỏa những nét đặc sắc của văn hóa đồng bào dân tộc Mông. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng 10, 11, đây là thời điểm hoa tam giác mạch đang vào mùa nở rộ và đẹp nhất.
Lễ hội thường kéo dài trong khoảng 1 tháng với nhiều hoạt động khác nhau như triển lãm tranh, thi văn nghệ, tổ chức hội chợ và nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm khác. Các hoạt động, sự kiện trong khuôn khổ lễ hội thường được tổ chức tại các khu vực trồng nhiều hoa tam giác mạch như Thị trấn Đồng Văn, Vần Chải, Lũng Thầu, Phố Cáo, Sủng Là, Phố Là, ngã ba Lũng Táo – Ma Lé – Lũng Cú.
Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi với cái tên là lễ xuống đồng, đây là lễ hội lớn, mang ý nghĩa tâm linh và giá trị nhân văn của người dân tộc Tày ở Hà Giang. Lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân, ngay sau Tết Nguyên Đán từ ngày mùng 6 đến ngày 15 tháng Giêng (âm lịch), tại huyện Bắc Quang, nơi tập trung đông người dân tộc Tày sinh sống.
Trước khi diễn ra phần lễ, các bản làng sẽ cùng nhau chuẩn bị những mâm cỗ và lễ vật tế. Chủ lễ là một thầy mo người Tày, sẽ làm lễ khấn tạ trời đất và cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho dân bản. Sau đó là phần hội với các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đánh yến, đi cà kheo, đánh cù, thi cấy và thi trâu cày ruộng tạo nên một không khí nhộn nhịp những ngày đầu xuân.
Lễ hội mùa lúa chín Hà Giang được tổ chức hàng năm nhằm quảng bá vẻ đẹp của những ruộng bậc thang được công nhận là di sản quốc gia khi trong mùa lúa chín. Đồng thời đây cũng là cơ hội để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây.
Lễ hội lúa chín thường được tổ chức vào 2 tuần cuối của tháng 10, tại huyện Hoàng Su Phì. Một số hoạt động trong lễ hội như triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, trang phục, nhạc cụ, giới thiệu các món ăn truyền thống…
Nhảy lửa (Cầu lửa) là lễ hội truyền thống duy nhất còn tồn tại đến ngày nay của người Pà Thẻn tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Pà Thẻn là một dân tộc ít người, hiện nay dân tộc này chỉ còn khoảng hơn 3000 người. Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn đã có lịch sử lâu đời, thể hiện tín ngưỡng tâm linh và niềm tin vào những thế lực siêu nhiên.
Lễ hội thường được tổ chức vào khoảng 8 giờ tối ngày 16/10 (Âm lịch) hàng năm. Sau khi thầy cũng đọc văn tế, những học trò của thầy cúng hoặc trai tráng trong làng sẽ nhập đồng và nhảy qua đám lửa lớn. Người Pà Thẻn cho rằng, nhờ có pháp thuật cao tay của thầy cúng cùng với sự bảo vệ của thần linh mà những chàng trai khi nhảy qua lửa đều không cảm thấy bỏng rát hay đau đớn.
Lễ hội chợ tình Khâu Vai hay còn được gọi là chợ tình Khâu Vai hoặc chợ tình Phong Lưu. Đây là phiên chợ tình nổi tiếng ở tỉnh Hà Giang, đến nay đã trải qua hơn 100 năm. Ban đầu đây chỉ là một phiên chợ tình nhỏ, nơi gặp mặt, hò hẹn của những nam thanh nữ tú, sau dần đây đã trở thành một lễ hội lớn được người dân Hà Giang trông chờ mỗi năm.
Lễ hội được tổ chức duy nhất một lần trong năm vào ngày 27/3 âm lịch, nhưng với quy mô lễ hội ngày càng lớn, có một số hoạt động đã được diễn ra từ những ngày trước đó, thường bắt đầu từ chiều ngày 24/3. Chợ tình Khâu Vai được tổ chức tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, cách thành phố Hà Giang gần 200 km.
Phần lễ diễn ra với nhiều nghi thức quan trọng là lễ dâng hương và lễ cầu duyên tại khu vực miếu Ông và miếu Bà, lễ cầu an. Trong phần hội sẽ diễn ra một số hoạt động vô cùng đặc sắc như giao lưu văn hoá văn nghệ dân gian, hát giao duyên, thi đánh trống đồng, múa kèo nhị, múa, nhảy nhịp điệu…
Bên cạnh những lễ hội được tổ chức một lần trong năm, Hà Giang có có những phiên chợ chỉ được họp 1 phiên duy nhất trong tuần vào các ngày cố định. Mỗi phiên chợ diễn ra đều hết sức nhộn nhịp, tấp nập, đây giống như những lễ hội thu nhỏ, luôn được người dân mong chờ.
Chợ phiên là nơi để người dân các dân tộc buôn bán, trao đổi các mặt hàng nông sản của gia đình hay các sản vật núi rừng mà họ thu, hái được. Sau đó, họ sẽ tìm mua những vật dụng cần thiết như dầu, muối, cuốc, dao…để sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để mọi người có thể gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện cùng nhau. Đối với địa hình bị chia cắt mạnh như ở Hà Giang, các bản làng, dân tộc thường sinh sống cách xa nhau, với họ được gặp mặt và trò chuyện với người khác là những cơ hội đáng trân quý. Ngoài ra, chợ phiên cũng là nơi các nam thanh nữ tú, đến tuổi cập kê đến đây để hò hẹn và tìm bạn đời.
Hà Giang hiện nay có rất nhiều chợ phiên lớn nhỏ khác nhau. Mỗi huyện đều có một phiên chợ lớn và một số phiên chợ nhỏ tại các khu vực các xã. Trong đó, có 05 phiên chợ lớn nhất và được đông đảo du khách biết đến là chợ phiên Quản Bạ, chợ phiên Đồng Văn, chợ phiên Hoàng Su Phì, chợ phiên Mèo Vạc và chợ phiên Du Già.
Các chợ phiên Hà Giang thường họp vào buổi sáng sớm , đến tầm trưa là hầu như chợ đã tan gần hết. Vì vậy bạn cần lưu ý thời gian đến chợ sớm để có thể khám phá được nhiều điều thú vị tại các phiên chợ. Để di chuyển đến chợ, bạn có thể sử dụng dịch vụ thuê xe máy tại các cơ sở thuê xe máy Hà Giang uy tín ở khu vực trung tâm thành phố.
Ẩm thực Hà Giang có gì nổi bật? Hà Giang có rất nhiều món ăn đặc sản mang đậm hương vị ẩm thực vùng cao. Hầu hết các món ăn đặc sản Hà Giang đều được chế biến từ những nguyên liệu, sản vật mà núi rừng ban tặng cho mảnh đất này. Với những cách chế biến độc đáo, sáng tạo, những sản vật đó đã trở thành những món ăn với hương vị riêng biệt, ăn một lần là nhớ mãi.
Thắng Cố là món ăn đặc biệt chỉ có tại khu vực miền núi phía Bắc của nước ta. Món ăn này được nấu từ các bộ phận nội tạng của ngựa như lòng, ruột, gan, phổi…và một chút phần thịt xẻo của ngựa. Thắng cố được nấu trong nhiều giờ cùng với các gia vị như mắc khen, quế, hồi… tạo nên hương vị đặc trưng không đâu có. Tuy nhiên đây là một món khá kén người ăn.
Cháo ấu tẩu trước đây được sử dụng phổ biến tại Hà Giang với tác dụng để giải cảm và bồi bổ sức khoẻ cho người ốm. Cháo được nấu từ bột củ ấu tẩu xay nhuyễn, một loại củ có giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khoẻ. Ngày nay, với hương vị thơm ngon, món ăn này đã trở thành một món ăn sáng được đông đảo người Hà Giang yêu thích.
Bánh tam giác mạch là loại bánh được làm từ hạt hoa Tam Giác Mạch nổi tiếng. Bánh thường được nặn hình tròn cỡ khoảng 1 gang tay và có màu tía đặc trưng của hạt mạch. Khi ăn sẽ mềm, xốp khá giống với bánh bông lan nhưng vẫn có vị bùi bùi và hơi ngái nhẹ của hạt mạch.
Phở chua là món ăn vừa quen, vừa lạ màn bạn nên thử khi đến Hà Giang. Vẫn là những sợi phở được làm từ gạo, nhưng điều khác biệt của món ăn này là phần nước dùng chua chua lạ miệng. Độ chua của nước dùng là từ dấm gạo lên men, hoàn toàn không sử chanh. Vì vậy nước có độ chua thanh vừa phải, ăn cùng sợi phở rất đưa miệng.
Thịt trâu gác bếp là món ăn đã quá nổi tiếng tại Hà Giang. Thịt trâu được tầm ướp gia vị và hun trên bếp khói nhiều ngày. Khi ăn vẫn giữ được độ ngọt nguyên bản của thịt trâu tươi. Đây là món ăn luôn xuất hiện trong danh sách đặc sản Hà Giang làm quà được nhiều người chọn mua về để biếu tặng hoặc sử dụng trong các bữa nhậu cùng gia đình, bạn bè.
Từ những thông tin mà chúng tôi chia sẻ, chắc có lẽ bạn đã có cho mình đáp án cho câu hỏi “Hà Giang có gì”. Với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nét đẹp ẩm thực, văn hóa và con người, đây xứng đáng là vùng đất cần được du khách trong và ngoài nước biết nhiều đến hơn nữa. Những ai đã đặt chân đến Hà Giang, chắc chắn sẽ muốn quay lại đây nhiều lần nữa.
Nguồn tài liệu tham khảo
Có thể bạn quan tâm
Nền tảng du lịch số 1 Việt Nam
Website hoạt động trong lĩnh vực du lịch với chủ đề chính truyền tải những thông tin về các địa điểm du lịch của Việt Nam, những kiến thức giúp bạn đọc hiểu được hơn về các vùng miền trên toàn quốc.
2Trip có một định hướng lối đi rõ ràng, là cầu nối giữa người cung cấp dịch vụ du lịch và khách hàng trải nghiệm du lịch