Hà Giang là nhà chung của nhiều dân tộc anh em. Vì thế, nơi đây sở hữu nền ẩm thực phong phú vô cùng hấp dẫn nhất định sẽ chinh phục biết bao nhiều thực khách. Ngay dưới đây, hãy cùng 2Trip khám phá ngay những món đặc sản Hà Giang nhất định không nên bỏ lỡ khi tới đây.
Nói về Hà Giang, người ta không chỉ nhắc đến những cao nguyên đá hùng vĩ, hay những sắc hoa đào, hoa tam giác mạch, hoa cải mèo mỗi mùa. Mà người ta còn nhớ tới những món ngon mang đậm hương vị núi rừng Đông Bắc. Mỗi đặc sản Hà Giang đều gắn liền với những câu chuyện trong nhịp sống bình dị, mộc mạc của người vùng cao.
Xem Thêm: Hà Giang Có Gì? Khám Phá Vùng Đất Cao Nguyên Đá Chi Tiết Nhất
Lạp xưởng gác bếp Hà Giang là món ăn được rất nhiều du khách yêu thích. Thậm chí không ít du khách đã đặt mua món đặc sản này mang về miền xuôi làm quà cho người thân và thưởng thức dần. Lạp xưởng thường được chế biến nhiều nhất vào mỗi độ Tết đến xuân về. Nhà nào nhà nấy đều làm và gác đầy bếp.
Lạp xưởng gác bếp thường được chế biến từ phần thịt nạc có chút mỡ đi kèm. Phần nguyên liệu được sơ chế cẩn thận sau đó sẽ mang đi băm nhỏ và ướp gia vị. Trong đó không thể thiếu thảo quả, mắc kén, nước gừng và rượu trắng. Cuối cùng họ nhồi lạp xưởng và mang đi gác bếp.
Thời gian hun khói cho lạp xưởng kéo dài từ 12 tiếng đến 24 tiếng. Vì thế, để hoàn thiện xong một mẻ lạp xưởng ngon thường mất hơn một ngày. Người dân vùng cao thường mang lạp xưởng gác bếp đi chiên chín trong chảo dầu nóng. Sau đấy thái thành nhiều miếng nhỏ ăn kèm với xôi hay cơm lam.
Lạp xưởng gác bếp có màu đỏ hồng xen lẫn với những vân mỡ trắng đục nhìn trông rất hấp dẫn. Món ăn này sở hữu hương vị vô cùng đặc biệt không giống bất kì loại lạp xưởng miền xuôi nào. Đó là hương thơm của khói bếp thoang thoảng, mùi mắc kén, mù i gừng và mùi rượu đặc trưng. Lạp xưởng có phần dai nhẹ, nhai kĩ thấy vị ngọt thanh của thịt và béo ngậy của lớp mỡ.
Ngày nay, món ăn này đã được nhiều người bán hơn để giúp du khách thuận tiện mua mang đi. Mọi người khi du lịch Hà Giang có thể ghé tới các phiên chợ hàng tuần mua lạp xưởng gác bếp. Hoặc tìm mua tại những của hàng bán đặc sản Hà Giang trong thành phố Hà Giang. Lạp xưởng sẽ được đóng túi nilong hút chân không với mức giá dao động từ hơn 500.000đ/kg.
Bánh tam giác mạch Hà Giang đã và đang là một món đặc sản của vùng cao Đông Bắc mà bất kì vị khách nào đến đây cuối năm không nên bỏ qua. Món bánh này được chế biến từ loại hạt cùng tên – hạt tam giác mạch. Cứ mỗi độ hoa tam giác mạch tàn, người dân sẽ đi thu hoạch hạt loại cây này và mang về làm bánh.
Những nguyên liệu chế biến bánh tam giác mạch khá đơn giản chỉ vỏn vẹn vài ba thứ gồm hạt tam giác mạch, bột đỗ, bột gạo nếp và nước lọc. Tuy nguyên liệu mộc mạc và bình dị như thế. Nhưng cách chế biến bánh tam giác mạch lại không hề đơn giản. Người dân phải mất rất nhiều công đoạn với thời gian hơn 10 ngày để hoàn thiện.
Hạt tam giác mạch sau khi thu hoạch sẽ được mang đi phơi nắng khoảng 1 tuần. Tiếp đó, người dân sẽ xay nhuyễn hạt thành bột mịn. Họ thường xay hoàn toàn thủ công bằng những chiếc cối đá xa xưa. Công đoạn này đòi hỏi công sức và sự tỉ mỉ cao. Bởi nếu bột tam giác mạch không được xay mịn thì bánh khi làm ra ăn khá lởn cởn.
Bột tam giác mạch được trộn với bột đỗ, bột gạo nếp và nước theo tỉ lệ nhất định. Sau đó sẽ được nhào nặn thật kĩ và cho vào khuôn bánh. Bánh tam giác mạch thưởng được làm rất to với kích thước dao động tới 10cm đường kính và độ dày 1-2cm. Thậm chí, có những nhà làm bánh to bằng 2 bàn tay người lớn xòe ra nặng gần nửa cân.
Bánh tam giác mạch được hấp chín có thể thưởng thức ngay hoặc ăn kèm với thắng cố. Tại một số phiên chợ, người vùng cao sẽ nướng bánh trên than hoa đỏ hoặc chiên ngập dầu. Bánh tam giác mạch mềm, bên trong tơi xốp ăn rất đưa miệng. Đặc biệt, bánh có thơm dịu nhẹ tựa như mùi cỏ cây núi rừng Đông Bắc.
Vào năm 2021 – 2022, bánh tam giác mạch Hà Giang lọt vào top 100 món ăn đặc sản nổi bật của Việt Nam. Cũng như loại bánh đặc sản Hà Giang đáng mua về làm quà. Khách du lịch có thể tìm mua bánh tại các chợ phiên vùng cao tại Hà Giang với mức giá chỉ dao động từ 10.000đ – 15.000đ/cái.
Xem Thêm: Phở Chua Hà Giang | Món Đặc Sản Độc Đáo Nhất Định Phải Thử Tại Cao Nguyên Đá
Thịt trâu gác bếp là món ăn mang đậm bản sắc văn hòa của người vùng cao Hà Giang. Món ăn này trở thành biểu tượng độc nhất vô nhị mà mỗi khi nhắc tới người ta sẽ nghĩ ngay ra mảnh đất trập trùng núi đá địa đầu Tổ Quốc. Thịt trâu gác bếp còn có nhiều tên gọi khác như thịt trâu hun khói, thịt trâu sấy, thịt trâu khô tùy theo từng khu vực và từng dân tộc thiểu số.
Để làm ra những thịt trâu gác bếp ngon, bà con vùng cao sẽ lựa chọn phần bắp trâu không có gân. Sau đó, bắp được sơ chế sạch và thẩm ướp với nhiều loại thảo mộc đặc trưng Đông Bắc như hạt dổi, mặc khén, gừng, tỏi,ớt, sả,.. Thịt được ướp một thời gian rồi xiên qua que và mang đi hun khói.
Thịt trâu gác bếp Hà Giang cứ được để vậy trên xà bếp. Khi nào người dân muốn thưởng thức sẽ lấy xuống chế biến. Thịt trâu được hun khói củi cây núi rừng có mùi thơm đặc trưng. Miếng thịt đen thoạt nhìn như một khúc gỗ lim cứng. Nhưng khi ăn thịt trâu lại không hề dai cứng. Đặc biệt, thịt còn giữ được độ ngọt tự nhiên ăn rất ngon.
Người dân Hà Giang rất thích quây quần bên nhau, lai rai thớ thịt trâu gác bếp xé nhỏ và nhâm nhi cùng ly rượu ngô cay nồng. Ngoài ra, để món ăn thêm phần hấp dẫn, họ thường chấm cùng mắc khén hoặc chẩm chéo. Món ăn này nhất định sẽ khiến du khách mê mẩn ngay từ miếng đầu tiên.
Thịt trâu gác bếp Hà Giang đang được nhiều người miền xuôi yêu thích. Vì thế, thực phẩm này cũng đã được bày bán rộng rãi hơn trước. Du khách đến Hà Giang sẽ bắt gặp rất nhiều cửa hàng đặc sản bán thịt trâu gác bếp. Hoặc mọi người có thể đặt làm ngay tại nhà dân vùng cao. Mức giá thịt trâu gác bếp dao động từ 500.000đ – 800.000đ/kg.
Thắng cố hay còn được một số nơi gọi là Tháng Cố. Đây là món ăn đặc trưng của người H’Mông tại vùng cao địa đầu Tổ Quốc. Món ăn này được chế biến hoàn toàn từ thịt ngựa, nội tạng ngựa, gân, da… kèm với 12 loại thảo mộc núi rừng và một số rau thơm. Hiện nay, thắng cốcòn được biến tấu bằng thịt bò hoặc thịt lợn tùy từng khu vực.
Thắng cố từ lâu đã trở thành một món ăn quen thuộc của người vùng cao. Nhiều người còn đùa rằng đến Hà Giang mà chưa thử qua thắng cố thì hành trình chưa trọn vẹn. Thắng cố ngon nhất khi ăn lúc còn nóng. Mọi người quây quần bên nhau vừa ăn thưởng thức hương vị độc đáo có một không hai của món này.
Các nguyên liệu của thắng cố được nấu mềm. Phần nước dùng ngọt thanh, béo ngậy. Đặc biệt, vì được nấu cùng nhiều thảo mộc nên thắng cố cố sở hữu mùi thơm rất dễ chịu. Người dân cao nguyên đá thường ăn thắng cố cùng bánh tam giác mạch, mèn mén hoặc cơm nắm. Đặc biệt, họ rất thích nhâm nhi thắng cố béo mềm còn nóng bốc khói nghi ngút với ly rượu ngô cay nóng vào mùa đông se se lạnh.
Ngày nay, thắng cố được chế biến tại nhiều quán ăn, nhà hàng Hà Giang. Thậm chí một số khách sạn, homestay Hà Giang có nhận đặt làm cho du khách tiện thưởng thức. Vì thế, mọi người có cơ hội tới vùng cao nguyên đá Hà Giang đừng bỏ lỡ món ăn hấp dẫn này nhé! Đảm bảo món ăn này sẽ mang đến cho du khách nhiều dư vị khó quên.
Xem Thêm: Thắng Cố Hà Giang | Nét Văn Hóa Truyền Thống Không Thể Nào Thiếu Của Người H’Mông
Thắng dền Hà Giang là thức quà vùng cao nguyên đá không những được người dân địa phương yêu thích mà còn chiếm trọn cảm tình của nhiều du khách ghé Hà Giang. Đặc biệt vào trong tiết trời lạnh giá mùa đông Hà Giang. Thắng dền thường có hai loại là thắng dền chay và thắng dền nhân đậu xanh.
Thắng dền được làm từ gạo nếp, đậu xanh, nước đường và gừng. Người dân thường lựa chọn những mẻ gạo nếp nương hạt mẩy, dẻo ngon để ngâm qua đêm. Sau đó mới đem đi xay thành bột và nặn bánh. Thắng dền thường được nặn thành những viên tròn nhỏ với nhiều màu sắc bắt mắt như tím, vàng, trắng, đỏ, cam,…
Nhiều khách du lịch thưởng thức thắng dền thường bảo món ăn này có vị gần giống trôi nước miền xuôi. Nhưng thắng dền sở hữu rất nhều nét khác biệt so với trôi nước. Thắng dền sẽ được bày trên một khay lớn phủ vải hoặc túi nilong. Khi khách đến ăn, người làm mới được bắt đầu vỏ từng viên thắng dền luộc trong nồi nước sôi.
Sau đó, thắng dền được vớt ra một chiếc bát nhỏ và tran nước đường vào. Một bánh thắng dền ngon có lẽ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nước đường. Tùy từng người làm sẽ có một công thức làm nước đường riêng.Nhưng đa phân bát nước đường sẽ có nước đường, nước gừng, vài sợi gừng thái lát, chút nước cốt dừa và ít lạc, vừng rang thơm.
Thắng dền luôn được phục vụ nóng hổi tới khách thưởng thức. Nếu mọi người từng đi phượt cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang vào thời gian cuối năm và nghỉ tại thị trấn Đồng Văn. Vậy mọi người có thể ghé chợ đêm Đông Văn để thưởng thức món ăn này trong tiết trời lạnh giá. Thắng dền có mức giá khá rẻ chỉ từ 7.000đ – 15.000đ/bát.
Xem Thêm: Du Lịch Hà Giang Tháng 10 | Thời Điểm Lý Tưởng Nhất Trong Năm Để Tới Vùng Đất Tây Bắc
Nhắc đến Hà Giang, người ta không chỉ nhớ tới những cung đường đèo ôm sườn núi, vực sâu. Mà người ta còn kể đến rượu ngô – Một loại đồ uống đặc trưng của vùng cao Đông Bắc. Người dân vùng cao rất thích rượu ngô. Họ uống rượu quanh năm. Rượu ngô dần trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng núi đá Hà Giang.
Sau mỗi mùa thu hoạch ngô, người dân vùng cao sẽ bảo nhau nấu rượu. Vì thế hầu như gia đình nào tại đây đều biết nấu rượu. Mặc dù quá trình nấu rượu ngô không quá khó nhưng rất kỳ công. Và không phải ai cũng có thể làm ra được những mẻ rượu ngô ngon, thơm đặc trưng.
Người dân thường lựa những bắp ngô mẩy hạt, vàng ươm. Sau đó tách hạt và mang đi luộc xâm xấp nước. Khi khô chín đều sẽ được ủ men hồng mì. Ngô được ủ men càng kĩ, càng đều thì rượu khi nấu sẽ càng ngon. Vì thế, người dân thường ủ men khoảng 10 ngày tùy thời tiết. Tiếp đó mới mang đi chưng cất, nấu rượu.
Rượu ngô sau khi chưng xong sẽ chưa được sử dụng ngay. Mà người dân nơi đây sẽ để một thời gian khá lâu sau mới thưởng thức. Rượu ngô ngon sẽ có trong suốt không màu, khi uống có vị ngọt nhẹ, thơm đặc trưng. Rượu thường có độ cồn khoảng 25 – 30 độ. Vì thế, cho dù có quá chén thì ngày hôm sau mọi người cũng không hề bị đau đầu hay mệt mỏi.
Người dân vùng cao coi việc nấu rượu và thưởng thức rượu ngô như một thú vui, một nét đẹp trong cuộc sống bình dị của họ. Đó cũng là lý do nhà nào nhà nấy thường có vài chum rượu ngô uống dần. Người vùng cao rất chuộng rượu vào tiết trời mùa đông. Rượu thơm cay nồng uống vào cảm thấy ấm người.
Mọi người đi du lịch Hà Giang chắc chắn sẽ được người dân nơi đây mời rượu ngô trong những bữa ăn. Đặc biệt là vào bữa tối. Mọi người cùng nhau uống rượu, cùng nhau chia sẻ cuộc sống của các vùng miền. Nếu du khách muốn mua rượu ngô làm quà có thể tìm mua tại các chợ phiên Hà Giang.
Xem Thêm: Rượu Ngô Hà Giang | Đặc Sản Nổi Tiếng Của Vùng Cao Nguyên Đá
Mọi người chắc hẳn đã nghe qua món cháo ấu tẩu khi đến Hà Giang. Đây là món ăn đặc trưng của người Mông và lâu dân trở thành đặc sản có một không hai tại vùng cao Hà Giang. Người Mông coi cháo ấu tẩu như một vị thuốc giải cảm, hỗ trợ sức khỏe cực tốt. Nhưng với hương vị thơm ngon và được nhiều người yêu thích, món ăn này đã được chế biến phổ biến rộng rãi hơn trước.
Cháo ấu tẩu Hà Giang được chế biến từ củ ấu tẩu, chân giò, gạo nếp, gạo tẻ,… Củ ấu tẩu được sơ chế cẩn thận, bỏ vỏ và ngâm nước gạo qua đêm. Sau đó củ ấu tẩu sẽ được ninh nhừ và nấu cùng gạo tẻ, gạo nếp và chân giò heo hầm kĩ. Thời gian nấu hoàn thiện một nồi cháo rất lâu kéo dài từ 4-6 tiếng.
Người dân vùng cao thưởng thưởng thức cháo ấu tẩu kèm với trứng gà và rau thơm như tía tô, rau mùi, hành lá,… Cháo ấu tẩu có màu nâu nhạt, khi ăn sẽ có chút đắng đặc trưng của vị củ ấu. Nhưng càng ăn, thực khách sẽ càng cảm nhận rõ vị ngọt thanh từ nước xương hầm, béo ngậy và thơm dịu nhẹ. Tất cả mang đến một hương vị vô cùng độc đáo mà du khách khó lòng quên được.
Cháo ấu tẩu mùa nào cũng bán. Tuy nhiên, món ăn này chỉ được bán vào buổi tối. Có lẽ vì người dân nơi đây cho rằng cháo ấu tẩu hỗ trợ giấc ngủ tốt hơn. Nên thích hợp thưởng thức vào đêm muộn hơn ban sáng. Du khách ghé tới Hà Giang dạo bộ trên các cung đường thành phố nhất định sẽ bắt gặp những quán ăn đêm phục vụ món ngon độc đáo này.
Cháo ấu tẩu ngon nhất khi thưởng thức lúc còn nóng hổi. Đặc biệt, món ăn sẽ càng trọn vẹn hương vị hơn khi được ăn trong thời tiết đêm đông lạnh giá vùng cao nguyên đá. Mức giá của cháo ấu tẩu rất bình dân. Món ăn này đảm bảo sẽ mang đến cho mọi người trải nghiệm thú vị về nền ẩm thực độc đáo vùng cao.
Xem Thêm: Bỏ Túi Kinh Nghiệm Du Lịch Hà Giang Chi Tiết Từ A Đến Z
Trà Shan Tuyết cổ thụ là loại chè đặc sản Hà Giang được nhiều vị khách mê mẩn. Đặc biệt, trà Shan Tuyết là một trong những đặc sản Hà Giang mua làm quà nhiều nhất. Loại trà này có phần bún khá to mang màu trắng xám. Phần dưới lá chè là 1 lớp long mịn, trắng, khi sờ vào không bị ngứa. Cũng chính sở hữu lớp lông trắng này mà chè được gọi là chè tuyết.
Chè Shan Tuyết Hà Giang được thu hoạch trên cây chè cùng tên có hàng chục năm tuổi trở lên. Cây siêu to mấy người ôm mới hết và cao tới vài mét. Khác với thu hoạch chè ở Thái Nguyên, khi hái búp Shan Tuyết người ta phải trèo hẳn lên cây lựa những búp chè chất lượng để mang về chế biến.
Loại chè Shan Tuyết chỉ phát triển tốt ở các khu vực có độ cao từ 1200m so với mặt nước biển trở lên. Đặc biệt, vì cây sống trong môi trường có nền nhiệt chênh lệch lớn giữa ngày và đêm và hoàn toàn được canh tác tự nhiên đã tạo lên chất lượng trà Shan Tuyết độc nhất vô nhị, vô cùng thơm ngon.
Chè Shan Tuyết Hà Giang được chế biến hoàn toàn theo phương pháp thủ công đặc trưng của người dân tộc vùng cao. Tuy nhiên vì trà Shan Tuyết có giá trị kinh tế cao nên một số đơn vị có tiến hành chế biến và xuất khẩu châu Âu. Để có một mẻ trà ngon cần trải qua 10 bước gồm thu hoạch nguyên liệu – xào diệt men – quạt nguội – vò trà – xào tạo hình – sấy khô- đóng bao – sấy nóng tạo hương – đóng gói – thành phẩm.
Hương vị của chè Shan Tuyết cổ thụ Hà Giang được đánh giá cao trong các loại chè Việt Nam. Shan Tuyết sở hữu mùi thơm dịu nhẹ, dễ chịu. Nước chè khi pha sẽ ánh vàng hao hao giống mặt ong. Hiện tại, giá của trà Shan Tuyết hoàn toàn thủ công hay theo dây chuyền hiện đại cũng có mức giá khá cao dao động từ 700.000đ – 1.200.000đ/kg.
Chè Shan Tuyết Hà Giang tập trung tại nhiều khu vực như Lũng Phìn, Đồng Văn, Bó Đướt, Vị Xuyên,… Ngoài ra, nơi đây cũng có một số cơ sở vừa sản xuất trà Shan Tuyết, vừa mở cửa cho khách du lịch tham quan và chiêm ngưỡng. Tại đây, mọi người có thể mua chè mang về làm quà nếu muốn.
Hồng không hạt Quản Bạ là loại hồng giòn, hồng ngâm có kích thước trung bình. Loại hồng này được đánh giá sở hữu mùi thơm lôi cuốn, vị ngọt đậm tươi mát, không hề bị đắng chát như một số loại hồng rừng khác. Kèm theo đó hồng Quản Bạ rất nhiều bột cát mịn. Đặc biệt, giống hồng này không hề có hạt.
Giống hồng không hạt Quản Bạ được gieo trồng vào mùa xuân. Sau đó, cây trồng từ 2-3 năm sẽ bắt đầu ra hoa, cho quả. Mùa hồng Quản Bạ chín thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Sau khi thu hoạch, hồng sẽ được ngâm chìm trong nước sạch tầm 15-20cm kéo dài 3-4 ngày để loại bỏ nhựa chát, giúp hồng có vị ngọt thanh, tươi mát.
Hiện tại loại hồng không hạt Quản Hạ Hà Giang đang được nhiều du khách yêu thích. Đặc biệt, giống hồng này đã vinh dự lọt vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Năm 2021 – 2022. Chính vì thế, hồng Quản Bạ đang được nhân giống và trồng rất nhiều tại huyện Quản Bạ nhằm đem lại giá trị kinh tế cao tới người dân.
Nếu du khách khám phá cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang vào mùa thu khi những cành hồng trĩu nặng quả. Mọi người sẽ bắt gặp rất nhiều quầy hoa quả ven đường dọc khu vực Quản Bạ. Các quầy bán san sát nhau với những quả hồng vàng ươm nhìn vô cùng thích mắt. Đặc biệt, mọi người còn có thể nếm thử hồng trước khi mua.
Hiện nay, hồng giòn không hạt có thể tìm mua tại nhiều nơi miền xuôi. Nhưng ngon nhất vẫn chính là mua tại Quản Bạ Hà Giang. Giá hồng nhìn chung không quá cao chỉ từ 40.000d – 60.000đ/kg. Hồng dễ bảo quản, có thể để được lâu thích hợp cầm theo di chuyển. Khi về xuôi, du khách có thể bảo quản hồng trong ngăn mát tủ lạnh hoặc để bên ngoài nhiệt độ phòng hoàn toàn được.
Xem Thêm: Top 10 Đặc Sản Hà Giang Mua Làm Quà Đảm Bảo Vừa Ngon Vừa Xịn
Mèn mén là loại thực phẩm không còn xa lạ với người dân vùng cao Hà Giang. Mèn mén Hà Giang tuy không phải cao lương mĩ vị nhưng nhất định sẽ khiến du khách nếm thử một lần sẽ nhớ mãi hương vị. Món ăn này được chế biến từ hạt ngô xay nhuyễn thành bột và hấp chín. Sau mỗi mùa thu hoạch ngô, nhà nào nhà nấy cũng bắt đầu làm mén mèn ăn dần quanh năm.
Công đoạn làm mèn mén không cầu kỳ nhưng đòi hỏi người làm tỉ mỉ. Chính vì thế, để có thể chế biến được mẻ mèn mén ngon không phải ai cũng làm được. Các bước nấu mèn mén gồm thu hoạch ngô – phơi khô – tách hạt ngô – xay ngô – hấp ngô – đánh tơi bột ngô – hấp ngô lần 2 – hoàn thiện.
Người dân vùng cao xay ngô bằng cối đá hoàn toàn thủ công để đảm bảo bột ngô mịn. Chính vì thế, mèn mén khi hấp không bị lởn cởn khó ăn. Thậm chí, khi hấp xong lần 1, bà con vùng cao còn lọc bột ngô thêm lần nữa để mèn mén ngon nhất. Thời gian hấp mèn mén khá lâu kéo dài vài tiếng.
Mèn mén chín thơm, ăn bùi bùi, càng nhai càng thấy vị ngọt thanh tự nhiên. Tuy nhiên, khi mèn mén sẽ khá khô khi ăn nên mọi người thường thưởng thực cùng nước canh, nước đậu hoặc thắng cốđể đỡ nghẹn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn trộn mèn mén ăn cùng cơm hay pha nước trộn mì.
Hầu như sau mỗi vụ mùa ngô, nhà nào cũng xay ngô thành bột để chế biến mèn mén. Món ăn này không biết từ bao giờ đã gắn bó chặt chẽ với đời sống nhân dân vùng cao. Hiện này, mèn mén được bán nhiều trong các phiên chợ cuối tuần để du khách đến Hà Giang có dịp thưởng thức món ăn độc nhất vô nhị vùng cao nguyên đá Đông Bắc.
Thưởng thức đặc sản Hà Giang mà hoạt động không thể thiếu trong hành trình du lịch Hà Giang. Hy vọng 2Trip đã cung cấp tới du khách những món ngon hấp dẫn, đáng trải nghiệm nhất. Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết trên. Chúc mọi người có hành trình du lịch Hà Giang tuyệt vời cùng người thân và gia đình.
Nguồn tham khảo
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Nền tảng du lịch số 1 Việt Nam
Website hoạt động trong lĩnh vực du lịch với chủ đề chính truyền tải những thông tin về các địa điểm du lịch của Việt Nam, những kiến thức giúp bạn đọc hiểu được hơn về các vùng miền trên toàn quốc.
2Trip có một định hướng lối đi rõ ràng, là cầu nối giữa người cung cấp dịch vụ du lịch và khách hàng trải nghiệm du lịch