Toplist

Tổng Hợp Chi Tiết Các Lễ Hội Hà Giang Năm 2023

Hà Giang 11:31 - 11/12/2024
5/5 - (57 bình chọn)

Hà Giang không chỉ nổi tiếng với các địa danh nổi tiếng như đèo Mã Pí Lèng, dinh thự họ Vương, nhà của Pao… Nơi đây còn thu hút du khách bởi các lễ hội đặc sắc mang đậm nét vùng miền. Hãy cùng 2trip khám phá những điều thú vị về lễ hội Hà Giang. 

Tổng hợp chi tiết các lễ hội Hà Giang năm 2023

1. Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang

Du lịch Hà Giang tháng 10 luôn được sự quan tâm và yêu thích của đông đảo du khách. Một trong những hoạt động thu hút khách du lịch, đó là lễ hội hoa tam giác mạch. Loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên núi đá Đồng Văn tại mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của Hà Giang khiến du khách say mê bởi vẻ đẹp lãng mạn, tươi mới
Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của Hà Giang khiến du khách say mê bởi vẻ đẹp lãng mạn, tươi mới (nguồn: vanhoavaphattrien.vn)

Lễ hội hoa tam giác mạch là dịp để tỉnh Hà Giang quảng bá những di sản văn hóa, phong tục tập quán, địa danh du lịch đến với du khách. Thông thường, lễ hội được tổ chức vào khoảng thời gian tháng 11 – thời điểm hoa tam giác mạch nở rộ.

Mỗi năm, Hà Giang lại lựa chọn địa điểm khác nhau để tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch. Chẳng hạn, chợ tình Khâu Vai, sân vận động thị trấn Đồng Văn, thị trấn Hoàng Su… Với không gian rộng lớn, thoáng đãng có rất nhiều hoạt động được diễn ra trong lễ hội.

Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khách du lịch trong nước và quốc tế
Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khách du lịch trong nước và quốc tế (nguồn: baodautu.vn)

Tham gia lễ hội, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa tam giác mạch. Những bông hoa nở rộ, đua nhau khoe sắc hồng pha chút ánh tím vô cùng thơ mộng. Hơn nữa, lễ hội hứa hẹn mang đến cho du khách những tấm ảnh check-in vô cùng đẹp.

Các tiết mục văn nghệ mang đậm nét đặc trưng của vùng núi Đông Bắc gây ấn tượng khó quên đối với du khách
Các tiết mục văn nghệ mang đậm nét đặc trưng của vùng núi Đông Bắc gây ấn tượng khó quên đối với du khách (nguồn: vietnamplus.vn)

Bên cạnh đó, các hoạt động như đua thuyền qua Hẻm Tu Sản, cuộc thi làm bánh từ loài hoa tam giác mạch, kéo co luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khách du lịch. Ngoài ra, các hoạt động buôn bán nhỏ lẻ cũng được diễn ra vào thời gian này.

Những điệu múa uyển chuyển như hớp hồn du khách đến với lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang
Những điệu múa uyển chuyển như hớp hồn du khách đến với lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang (nguồn: laodong.vn)

Dưới đây là kế hoạch chương trình diễn ra lễ hội mà bạn có thể tham khảo. Bạn có thể lựa chọn hành trình thuê xe máy tự lái Hà Giang để chủ động cho hành trình của mình:

  • Chương trình khai mạc lễ hội với sự phát biểu của các đại biểu tiêu biểu tại nơi tổ chức lễ hội.
  • Tổ chức triển lãm ảnh. Trong đó, bao gồm các bức ảnh phác họa cuộc sống của bà con địa phương, các phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa và phong cảnh núi rừng.
  • Không gian văn hóa phiên chợ được tái hiện rõ nét với nhiều gian hàng trưng bày đặc sản Hà Giang.
  • Hội thi hoa tam giác mạch được tổ chức với thể riêng, được quy định mỗi năm một khác.
  • Tổ chức chiêm ngưỡng con đường hoa tam giác mạch bạt ngàn khắp cao nguyên núi đá.
  • Thưởng thức các tiết mục văn nghệ độc đáo như hát then, nhảy sạp,…
  • Tham gia hoạt động nấu rượu ngô, rượu tam giác mạch cũng như các món ăn truyền thống được ban tổ chức quy định.

Xem thêm: Khám Phá 20+ Địa Điểm Du Lịch Hà Giang – Đẹp Nhất, Được Check-in Nhiều Nhất

2. Lễ hội nhảy lửa

Khi mùa thu hoạch hoàn thành cũng là lúc người dân Pà Thẻn hòa mình vào các lễ hội sôi nổi. Đặc biệt lễ hội nhảy lửa diễn ra tại thôn Mỹ Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang luôn thu hút được sự tham gia của khách du lịch.

Lễ hội Nhảy Lửa Hà Giang luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách khi du lịch Hà Giang tháng 11
Lễ hội Nhảy Lửa Hà Giang luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách khi du lịch Hà Giang tháng 11 (nguồn: kienthuc.net.vn)

Thông thường, lễ hội được tổ chức vào ngày 16/10 (âm lịch) hàng năm. Lễ hội khiến du khách không khỏi ấn tượng bởi những nét văn hóa độc đáo, thú vị của Shaman giáo. Đây là một tôn giáo mang đầy sự huyền bí và tâm linh đối với giới thần linh.

Từ xa xưa, lễ hội nhảy lửa luôn được gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng – được tổ chức cho các thầy cúng nhận học trò. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, hai lễ hội được gộp thành một với tên gọi Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn. Theo tiếng Pà Thẻn, nhảy lửa có nghĩa là “Po dinh họn a tờ”.

Lễ hội Nhảy Lửa được người dân chuẩn bị kĩ lưỡng và cầu kì với mong muốn có 1 năm mưa thuận gió hòa, mọi điều may mắn
Lễ hội Nhảy Lửa được người dân chuẩn bị kĩ lưỡng và cầu kì với mong muốn có 1 năm mưa thuận gió hòa, mọi điều may mắn (nguồn: gotrangtri.vn)

Theo truyền thống, lễ hội nhảy lửa diễn ra theo từng họ. Cả họ sẽ cùng nhau chuẩn bị lễ vật dâng lên tổ tiên, thần linh. Bao gồm, 1 bát gạo, 1 con gà trống, 1 chai rượu, tiền giấy, hương… Ngoại trừ các thành viên đã chuẩn bị lễ, còn lại sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị củi khô.

Thành phần chính tham gia lễ hội là thầy cúng và các học trò của mình. Trước kia, một lễ hội nhảy lửa có khoảng 10 – 12 học trò tham gia cùng thầy của mình. Tuy nhiên, ngày nay số người theo học nghề này không còn phổ biến, một lễ hội chỉ có khoảng 5 – 6 người tham gia.

Lễ hội ngày càng được biết đến rộng rãi với sự tham gia đông đảo của khách du lịch trong nước và quốc tế
Lễ hội ngày càng được biết đến rộng rãi với sự tham gia đông đảo của khách du lịch trong nước và quốc tế (nguồn: phunuonline.com.vn)

Nếu như trước kia, chỉ có học trò theo học thầy cúng mới có thể tham gia chuẩn bị lễ hội. Thì ngày nay. thanh niên trai tráng trong làng hay học trò của các thầy cúng khác nhau cũng được nhảy lửa khi có họ tổ chức.

Lễ hội chính thức được khai mạc lúc 8h tối ngày 16/10 (âm lịch). Đầu tiên, thầy cúng là người đại diện thắp nến và đặt lễ vật lên mâm cúng, sau đó thắp ba nén hương trên bàn thờ chính và ba nén hương dưới đất ngay bên cạnh ghế ngồi của mình.

Hoạt động nhảy lửa đầy sự độc đáo và thú vị khiến du khách không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng
Hoạt động nhảy lửa đầy sự độc đáo và thú vị khiến du khách không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng (nguồn: bazantravel.com)

Mở đầu lễ hội là phần mục đọc bài cúng nêu lên lý do tổ chức lễ hội Nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn. Thầy cúng tay cầm que tre, tay cầm chiếc vòng Pà sán tầu, miệng lẩm bẩm đọc là hình ảnh độc đáo khiến khách du lịch không khỏi ấn tượng.

Phần quan trọng nhất của lễ hội chính là lúc thầy cúng sai học trò nhóm lửa từ đống củi đã chuẩn bị trước đó. Sau khi lửa đã cháy lớn, thầy bắt đầu cầm bát nước thơm vẩy vào 4 góc cũng như vẩy lên người học trò. Kế đó, là tiết mục nhập hồn nhảy lửa đầy sự tâm linh và thần bí.

Thầy cúng chuẩn bị phần lễ tươm tất nhằm dâng lên thần linh để báo cáo công việc cũng như tỏ lòng biết ơn đối với người
Thầy cúng chuẩn bị phần lễ tươm tất nhằm dâng lên thần linh để báo cáo công việc cũng như tỏ lòng biết ơn đối với người (nguồn: toquoc.vn)

Kết thúc lễ hội, thầy cúng thay mặt dân làng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, ấm no, mạnh khỏe. Sau phần lễ, mọi người tập trung tham gia phần hội với nhiều món ăn ngon được chuẩn bị, hay các tiết mục văn nghệ đặc sắc vô cùng hấp dẫn.

Lễ hội Nhảy lửa là một di sản văn hóa mang tính đại diện tộc người, được biết đến như một bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn
Lễ hội Nhảy lửa là một di sản văn hóa mang tính đại diện tộc người, được biết đến như một bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn (nguồn: laodong.vn)

Có thể nói, lễ hội nhảy lửa của bà con Pà Thẻn đã tồn tại lâu đời trên mảnh đất Tân Bắc. Điều đặc biệt là, nó vẫn giữ được nét đẹp truyền thống qua nhiều thế hệ. Nơi đây được coi là địa danh lưu giữ yếu tố văn hóa cổ xưa được các tín đồ đam mê khám phá lựa chọn.

Xem thêm: Bản Đồ Du Lịch Hà Giang | Tổng Hợp Những Thông Tin Cần Thiết Nhất Dành Cho Bạn

3. Lễ hội cầu trăng Hà Giang

Là một trong những nét đẹp của người dân tộc Tày, lễ hội cầu trăng đã tồn tại lâu đời và được gìn giữ, phát triển cho đến tận ngày nay. Lễ hội thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế ghé thăm khi đi du lịch Hà Giang tháng 9.

Lễ hội Cầu Trăng là một trong những nét đẹp văn hóa của người dân tộc Tày được du khách biết đến rộng rãi
Lễ hội Cầu Trăng là một trong những nét đẹp văn hóa của người dân tộc Tày được du khách biết đến rộng rãi (nguồn: suckhoedoisong.vn)

Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào rằm tháng tám hay còn được gọi là tết trung thu tại Bản Loan, xã Yên Định, huyện Bắc Mê. Thời điểm trăng tròn nhất trong năm, đồng bào dân tộc Tày nô nức chuẩn bị hội, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, bình an, khỏe mạnh, đặc biệt là mùa màng tốt tươi.

Từ xa xưa, người Tày quan niệm rằng, trên cung trăng có mẹ Trăng và 12 nàng tiên xinh đẹp. Mẹ Trăng cùng các con luôn chăm lo cho mùa màng cũng như đời sống tinh thần của nhân dân. Vì vậy, người dân tổ chức lễ hội Cầu Trăng với mong muốn tỏ lòng biết ơn mẹ Trăng và 12 nàng tiên.

Phần mâm cũng được người đồng bào dân tộc Tày chuẩn bị đầy đủ và tươm tất dâng lên mẹ Trăng và 12 nàng tiên
Phần mâm cũng được người đồng bào dân tộc Tày chuẩn bị đầy đủ và tươm tất dâng lên mẹ Trăng và 12 nàng tiên (nguồn: baodantoc.vn)

Lễ hội Cầu Trăng bao gồm 2 phần chính, đó là phần lễ và phần hội. Thời gian tổ chức lễ hội thường được kéo dài trong 2 ngày. Ngày 14/8 (âm lịch), người dân háo hức chuẩn bị mâm cúng thổ công chúa bản tại miếu chung trong làng nhằm xin phép tổ chức lễ hội.

Đồng bào dân tộc Tày coi đây là một lễ hội lớn. Chính vì vậy, phần lễ vật được dâng lên miếu phải chuẩn bị một cách tươm tất với xôi ngũ sắc, thịt, rượu và các loại bánh. Bắt đầu phần lễ chính là tiết mục cúng được thực hiện bởi thầy cúng cao tay trong làng.

Các chàng trai, cô gái háo hức tham gia lễ hội Cầu Trăng Hà Giang với những bộ trang phục truyền thống
Các chàng trai, cô gái háo hức tham gia lễ hội Cầu Trăng Hà Giang với những bộ trang phục truyền thống (nguồn: suckhoedoisong.vn)

Kết thúc phần cúng bái thần linh, dân làng cùng nhau tham gia các hoạt động hội họp vô cùng vui nhộn. Mở đầu phần hội, du khách có cơ hội thưởng thức điệu múa uyển chuyển của các cô gái dân tộc Tày quanh bàn lễ, chiêm ngưỡng những bộ trang phục dân tộc đầy ấn tượng.

Kế đó, cuộc thi nấu các món ăn truyền thống như mắm cá chép, cơm lam, xôi ngũ sắc, mắm thịt lợn, măng muối  khiến khách du lịch không khỏi thích thú khi thưởng thức. Đặc biệt, tham gia các trò chơi dân gian hứa hẹn mang đến những kỉ niệm đáng nhớ.

Những câu hát dân ca được thể hiện trong lễ hội khiến khách du lịch yêu thích thưởng thức
Những câu hát dân ca được thể hiện trong lễ hội khiến khách du lịch yêu thích thưởng thức (nguồn: mia.vn)

Không những thế, lễ hội Cầu Trăng còn là thời điểm để các chàng trai, cô gái trao những câu hát dao duyên, cùng nhau kết bạn, hò hẹn. Bên cạnh đó, khoảnh khắc mặt trăng tỏa sáng nhất cũng là lúc mọi người cầu chúc cho mình những điều tốt lành.

Xem thêm: Hà Giang Có Gì? Khám Phá Vùng Đất Cao Nguyên Đá Chi Tiết Nhất

4. Lễ hội Gầu Tào

Tháng Giêng là tháng ăn chơi, chính vì vậy lễ hội Gầu Tào của người dân tộc H’Mông là một trong những lễ hội lớn nhất tại tỉnh Hà Giang thu hút đông đảo du khách. Đây được xem như một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào H’Mông mỗi dịp tết đến xuân về.

Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội lớn tại Hà Giang, trở thành di sản văn hóa phi vật thể khiến đồng bào dân tộc H'Mông tự hào
Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội lớn tại Hà Giang, trở thành di sản văn hóa phi vật thể khiến đồng bào dân tộc H’Mông tự hào (nguồn: baodantoc.vn)

Lễ hội Gầu Tào kéo dài từ ngày mùng 1 cho tới ngày 15 tháng Giêng. Mục đích của lễ hội chính là cúng tạ trời đất, thần linh đã phù hộ cho họ trong 1 năm qua có được mùa màng tốt tươi, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Đồng thời, cầu chúc năm mới thật nhiều may mắn.

Không những thế, khoảng thời gian lễ hội diễn ra cũng là lúc người dân xa xứ có dịp trở về hội tụ cùng gia đình, người thân và bạn bè. Đồng thời, mọi hoạt động sản xuất cũng được tạm nghỉ trong suốt 15 ngày lễ.

Đồng bào dân tộc H'Mông tụ họp tại một sân đất trống để tổ chức lễ hội trong suốt 15 ngày
Đồng bào dân tộc H’Mông tụ họp tại một sân đất trống để tổ chức lễ hội trong suốt 15 ngày (nguồn: baohoabinh.com.vn)

Cũng giống các lễ hội khác, lễ hội Gầu Tào bao gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Lễ hội được tập trung tổ chức tại một khu đất trống bằng phẳng cùng nhiều hoạt động thú vị hứa hẹn đem đến giây phút nghỉ dưỡng lí tưởng dành cho du khách.

Điểm đặc biệt của phần lễ vật chính là mâm cúng với đầy đủ các món. Gia chủ chuẩn bị 1 chiếc thủ lợn, 1 đôi gà trống mái đã luộc chín, 1 bát cơm trắng, quả trứng, 1 bắp ngô, 1 đĩa xôi, 1 bó đũa, giấy bản và nến hương nhằm dâng lên đất trời, thần linh.

Các tiết mục văn nghệ sôi động, hấp dẫn khiến phần hội trở nên thú vị hơn bao giờ hết
Các tiết mục văn nghệ sôi động, hấp dẫn khiến phần hội trở nên thú vị hơn bao giờ hết (nguồn: leadtravel.com.vn)

Sau khi gia chủ cùng thầy mo thực hiện xong nghi thức truyền thống , tất cả bà con trong bản nô nức đi hội, cùng nhau tụ tập ăn uống no say. Đây là lúc các món ăn mang đậm nét đồng bào dân tộc H’Mông được thưởng thức khiến du khách hào hứng tham gia.

Trong lễ hội Gầu Tào, có thể nói, hội là phần mục vui và thú vị nhất. Bởi ngay lúc này, có rất nhiều trò chơi dân gian được tổ chức, tiêu biểu như bắn nỏ, đánh yến, đánh cù, đánh sảng, đấu võ, chọi chim, chọi gà, hát đối, thổi khèn…

Các chàng trai H'Mông thể hiện tài năng của mình bằng những tiết mục thổi kèn độc đáo và đặc sắc
Các chàng trai H’Mông thể hiện tài năng của mình bằng những tiết mục thổi kèn độc đáo và đặc sắc (nguồn: vietnamplus.vn)

Đối với các chàng trai, múa khèn là phần thi được sự quan tâm đông đảo nhất. Phần thi đòi hỏi người tham gia phải có tài năng, sự khéo léo thì mới có thể vừa thực hiện các động tác quay tròn, nhào lộn vừa thổi khèn đúng với tiết tấu và nhịp điệu.

Ngược lại, đối với các cô gái, tiết mục hát đáp, hát đối mới chính là hoạt động đáng để trải nghiệm nhất. Những chàng trai, cô gái cùng nhau đối đáp bằng những câu hát dân ca. Tiết mục sẽ kết thúc sau khi tìm ra người thắng.

Lễ hội Gầu Tào còn là nơi kết duyên của nhiều chàng trai, cô gái
Lễ hội Gầu Tào Hà Giang còn là nơi giao lưu, kết duyên của nhiều chàng trai, cô gái (nguồn: dangcongsan.vn)

Điều đặc biệt ở đây chính là phần quà dành cho người thắng cuộc sẽ được chuẩn bị bởi đội thua, đó có thể là chiếc khăn tay, đàn môi, cài tóc… Cũng chính từ đó, nhiều cặp đôi  nên duyên và kết thành đôi nhờ lễ hội Gầu Tào.

Xem thêm: Top 05 Chợ Phiên Hà Giang Đậm Nét Truyền Thống Và Đẹp Nhất Năm 2023

5. Lễ hội Cấp Sắc

Lễ hội Cấp Sắc hay còn được gọi là lễ phong sắc – sự kiện quan trọng trong cuộc đời những người đàn ông dân tộc Dao Đỏ. Đây được coi là lễ hội độc đáo mang đậm nét đặc trưng vùng núi Đông Bắc, được tổ chức tại thôn Nậm Đăm, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Lễ hội Cấp Sắc đã tồn tại lâu đời như một truyền thống tốt đẹp của người đồng bào dân tộc Dao Đỏ
Lễ hội Cấp Sắc đã tồn tại lâu đời như một truyền thống tốt đẹp của người đồng bào dân tộc Dao Đỏ (nguồn: tuyenquang.gov.vn)

Lễ hội được tổ chức với sự tham gia của trưởng họ cùng các chàng trai bắt đầu từ tuổi 12, 13 nhằm đánh dấu sự trưởng thành của họ. Đồng thời, định rõ trách nhiệm của các chàng trai với công việc của dòng họ, làng bản. Nếu không trải qua lễ phong sắc thì chưa được coi là đàn ông trưởng thành.

Lễ hội được tổ chức vào khoảng thời gian tháng 11, tháng 12 hoặc tháng 1 (âm lịch) kéo dài trong 3 ngày liền nhau. Tuy nhiên hiện nay, lễ hội đã được rút ngắn thành 2 ngày 1 đêm, chỉ bao gồm các nghi lễ quan trọng và phức tạp.

Lễ hội Cấp Sắc với nhiều nghi thức khác nhau được tổ chức trong vòng 3 ngày liên tục
Lễ hội Cấp Sắc với nhiều nghi thức khác nhau được tổ chức trong vòng 3 ngày liên tục (nguồn: youtube.com)

Điều thú vị của lễ hội cấp sắc nằm ở phần lễ và phần hội. Trước tiên là phần lễ, các thầy cúng phải thực hiện tẩy uế mới có thể đánh trống mời tổ tiên về dự lễ khai đàn diễn ra trong vòng 3 ngày tại thôn Nậm Đăm.

Thủ tục này được thực hiện nhằm báo cáo lý do tổ chức lễ hội cũng như xin phép làm lễ cấp sắc đối với những đứa trẻ khi đã đủ tuổi trưởng thành lên thần linh. Đồng thời, cầu mong thần linh phù hộ cho gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe và yên ổn.

Thầy cũng sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các nghi lễ cấp sắc đối với những chàng trai trong độ tuổi từ 12 - 30
Thầy cũng sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các nghi lễ cấp sắc đối với những chàng trai trong độ tuổi từ 12 – 30 (nguồn: thanhnien.vn)

Ngày làm lễ được cả dòng họ bàn bạc và chọn lựa kĩ càng. Bên cạnh đó, mỗi đợt phong sắc cũng chỉ cho phép tổ chức tối đa 13 người có độ tuổi dao động từ 12 – 30 tuổi. Tuy nhiên, nếu không đủ số người thì phải lựa chọn theo số lẻ.

Không những thế, mỗi một lễ cấp sắc, dòng họ phải mời từ 6 cho tới 7 thầy cúng đảm nhiệm các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau như lễ cấp bản sắc, lễ đội đèn, lễ hạ đèn, lễ giữ cây đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ tạ ơn tổ tiên và thần thánh.

Lễ hội Cấp Sắc được tổ chức nhằm đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai dân tộc Dao Đỏ khi đến độ tuổi có thể tham gia vào công việc của dòng họ và bản làng
Lễ hội Cấp Sắc được tổ chức nhằm đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai dân tộc Dao Đỏ khi đến độ tuổi có thể tham gia vào công việc của dòng họ và bản làng (nguồn: bachthong.gov.vn)

Để thực hiện một lễ cấp sắc khá tốn kém, dao động từ 7.000.000đ – 20.000.000đ. Chính vì vậy, người dân tộc Dao trong một bản làng thường tổ chức cấp sắc chung nhằm tiết kiệm kinh phí. Họ góp rượu, góp thịt, mỗi người một tay để chuẩn bị tươm tất nhất có thể.

Phần hội với các tiết mục độc đáo được trình diễn bởi đồng bào dân tộc Dao Đỏ khiến du khách yêu thích ghi lại làm kỉ niệm
Phần hội với các tiết mục độc đáo được trình diễn bởi đồng bào dân tộc Dao Đỏ khiến du khách yêu thích ghi lại làm kỉ niệm (nguồn: vietnamplus.vn)

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc phần hội được diễn ra. Thầy cúng là người mở màn với tiết mục dâng rượu, lễ vật và nhảy múa ba vòng quanh sân để cảm tạ thần linh. Sau đó, người dân sẽ thưởng thức buổi tiệc đến tận sáng.

Xem thêm: Bỏ Túi Kinh Nghiệm Du Lịch Hà Giang Chi Tiết Từ A Đến Z

Trên đây là thông tin chi tiết về những lễ hội Hà Giang mà 2Trip muốn giới thiệu đến bạn đọc. Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết trên.

Nguồn tham khảo

  • Cục Di Sản Văn Hóa. (2023). Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn. [online] dsvh.gov.vn. Có tại: http://dsvh.gov.vn/le-hoi-nhay-lua-cua-nguoi-pa-then-1041 [Truy cập ngày 5/2/2023]
  • BestPrice. (2023). Top 5 lễ hội Hà Giang độc đáo bạn không thể bỏ lỡ. [online] bestprice.vn. Có tại: https://www.bestprice.vn/blog/diem-den-8/ha-giang-247/top-5-le-hoi-ha-giang-doc-dao-ban-khong-the-bo-lo_2-5191.html [Truy cập ngày 5/2/2023]
  • Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam. (2021). Lễ hội Gầu Tào độc đáo của dân tộc Mông ở Cao nguyên đá. [online] dangcongsan.vn. Có tại: https://dangcongsan.vn/van-hoa-vung-sau-vung-xa-bien-gioi-hai-dao-vung-dan-toc-thieu-so/tu-truyen-thong-toi-hien-dai/le-hoi-gau-tao-doc-dao-cua-dan-toc-mong-o-cao-nguyen-da-597525.html [Truy cập ngày 5/2/2023]
  • Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bắc Kạn. (2021). Độc đáo Lễ cấp sắc đánh dấu trưởng thành của người Dao Tiền ở Bạch Thông. [online] backan.gov.vn. Có tại: https://backan.gov.vn/pages/doc-dao-le-cap-sac-danh-dau-truong-thanh-cua-nguoi-83df.aspx [Truy cập ngày 5/2/2023]
  • KAVO Travel. (2022). Lễ hội Cầu Trăng – nét đẹp văn hóa của đồng bào Tày. [online] dulichkhatvongviet.com. Có tại: https://dulichkhatvongviet.com/le-hoi-cau-trang/ [Truy cập ngày 5/2/2023]
Tin liên quan
2Trip Việt Nam 11/12/2024

10 Vườn Dâu Đà Lạt Ngon Đẹp, Check-in Tuyệt Vời

Vườn dâu tây Đà Lạt là địa điểm tham quan, chụp ảnh không nên bỏ lỡ tại Đà Lạt. Những vườn này không chỉ có...

4.8/5 - (45 bình chọn)
Phạm Lan Nhi 11/12/2024

02 Tour Du Lịch Hà Giang 3 Ngày 2 Đêm Hấp Dẫn

Hà Giang là một địa điểm có cảnh quan tươi đẹp nhất định bạn phải đến ít nhất một lần trong đời. Dưới đây 2Trip...

4.6/5 - (67 bình chọn)
2Trip Việt Nam 12/12/2024

Lịch Trình Tour Hà Giang 2 Ngày 1 Đêm Siêu Chi Tiết

Hà Giang không chỉ có nhiều địa điểm đẹp, mà còn có vô vàn lễ hội đặc sắc, cùng hàng loạt đặc sản thơm ngon....

4.4/5 - (68 bình chọn)
2Trip Việt Nam 12/12/2024

6 nhà thờ gần Hồ Xuân Hương Đà Lạt đẹp ngất ngây

Không chỉ nổi tiếng với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng bầu không khí trong lành, mát mẻ quanh năm, Đà Lạt còn...

4.3/5 - (56 bình chọn)

Nền tảng du lịch số 1 Việt Nam

Website hoạt động trong lĩnh vực du lịch với chủ đề chính truyền tải những thông tin về các địa điểm du lịch của Việt Nam, những kiến thức giúp bạn đọc hiểu được hơn về các vùng miền trên toàn quốc.

2Trip có một định hướng lối đi rõ ràng, là cầu nối giữa người cung cấp dịch vụ du lịch và khách hàng trải nghiệm du lịch

Đăng ký email để nhận tin mới nhất

© Bản quyền 2trip.vn 2023 -

DMCA.com Protection Status