Du lịch Đà Nẵng nhưng chưa biết “Ăn gì?”, “Ở đâu?”. Thì hãy cùng 2Trip trải nghiệm đặc sản bánh đập Đà Nẵng ngon nức tiếng tại 14 địa chỉ, được gợi ý bởi chính người địa phương.
Đặc sản Đà Nẵng – bánh đập, món ngon đặc biệt ngay từ tên gọi. Bánh đập là sự kết hợp thú vị giữa bánh ướt thơm dẻo và lớp vỏ bánh đa (bánh tráng) nướng nóng giòn. Bạn có thể thưởng thức bánh đập tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hội An,.. Nhưng để có trải nghiệm trọn vẹn, bạn nhất định phải thử tại đất Đà thành.
Bánh đập Bà Tứ là cái tên được gợi ý nhiều nhất trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok,… Địa điểm này không chỉ nhận được nhiều lời khen từ khách du lịch, mà còn là quán “ruột” của người Đà Nẵng. Quán ăn nhỏ của bà Tứ có khoảng 5-6 bàn, lại luôn đông khách, đặc biệt tầm giờ chiều.
Bánh đập tại đây được nhận xét giữ vững hương vị truyền thống. Bà Tứ đã bán bánh ngót nghét 20 năm, tay nghề cao, tráng lên những lớp bánh mướt mỏng, mềm nhưng vẫn giữ được độ dai nhất định. Bánh tráng cũng được bà nướng trên bếp than hồng, giòn rụm nhưng không hề bị khét.
Đến với quán bà Tứ, thực khách sẽ được thưởng thức những mẻ bánh đập mới nhất. Linh hồn của món ăn này nằm ở chén mắm nêm thơm nồng, đậm vị. Nước mắm chắt từ cốt cá trích, kết hợp thêm dứa xay và nhiều loại gia vị theo công thức gia truyền. Đặc biệt, mắm nêm tại đây còn có mỡ hành phi nên ăn rất bắt miệng.
Giá bánh đập Đà Nẵng tại quán rất rẻ, chỉ từ 3000đ – 5000đ/cái. Bạn được thỏa thích chọn nhân bánh, như mỡ hành hoặc hành phi thơm. Quán nhỏ, khách đông nhưng phục vụ rất nhanh. Tuy nhiên vào giờ cao điểm sẽ khó tránh khỏi việc phải xếp hàng. Bà Tứ và nhân viên đều rất hiếu khách, luôn tạo không khí thoải mái khi bán hàng.
Quán bún mắm, bánh đập Vân tọa lạc tại khu phố ẩm thực Lê Độ. Quán nằm gần đường ray xe lửa, vị trí tốt, không gian rộng và thoáng. Trên con đường hàng quán san sát, với đủ các món đặc sản Đà Nẵng. Khách hàng vẫn lựa chọn quán cô Vân để thưởng thức bánh bập – nét ẩm thực độc đáo đất Đà thành.
Lựa chọn quán cô Vân, thực khách sẽ được thưởng thức món bánh đập giòn tan, pha thêm hương vị dẻo thơm từ bánh ướt nóng. Ưu điểm của quán là phần nhân bánh phong phú. Từ mỡ hành truyền thống, đến nhân tôm, thịt đều có đủ. Bên cạnh đó, quán còn có thêm chả bò ăn kèm bánh cũng rất hợp.
Mắm nêm cho món bánh đập Đà Nẵng tại đây được pha đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, theo đúng chuẩn khẩu vị người địa phương. Mỡ hành được phục vụ bát riêng, để khách thêm vào mắm theo ý thích. Ngoài ra, trên bàn còn có sẵn ớt chưng, đường, chanh để bạn nêm lại mắm theo khẩu vị cá nhân.
Bánh đập được cô Vân bán theo từng suất. Mỗi suất có 2-4 bánh tùy nhân, giá chỉ từ 15 000đ – 20 000đ. Tính ra mỗi chiếc có giá 5000đ – 10 000đ, tương tự mặt bằng chung. Ngoài bánh đập, quán còn được nhận xét là địa chỉ bán bún mắm ngon nhất nhì thành phố.
Xem thêm: Bún Bò Đà Nẵng – Top 9 Quán Được Thực Khách Đánh Giá Cao Nhất
Bạn có từng thắc mắc, “Đâu là quán bánh đập đầu tiên tại Đà Nẵng?”. Câu trả lời chính là “Quán cô Tâm – Bún mắm, bánh bèo & bánh tráng đập Đà Nẵng” có địa chỉ tại số 34 đường Thái Phiên. Xuất hiện từ những năm đầu 90 thế kỷ trước, quán ăn nhỏ giờ đây đã phát triển, trở thành địa chỉ bán bánh đập, bún mắm đông nhất nhì thành phố.
Bánh đập cô Tâm có lớp bánh ướt được làm từ gạo tẻ loại 1. Sau khi tráng mỏng, chủ quán sẽ phết thêm mỡ hành và đậu xanh xay nhuyễn. Bánh khi hoàn thành thơm nức mũi, kẹp thêm bánh tráng mè giòn rụm ít nơi nào có. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi bùi, mềm mướt trong miệng rất thú vị.
Quán có mắm thường, dành cho những thực khách không ăn được mắm nêm. Tuy nhiên, nếu có thể, bạn hãy thử một lần “phá bỏ giới hạn”. Vì chính mắm nêm là nguyên liệu làm lên nét đặc sắc cho món ăn này. Ngoài ra, hến xào sẽ được phục vụ cùng bánh đập, tạo cảm giác lạ miệng khi ăn.
Theo như chia sẻ, Bánh đập cô Vân đã truyền lại đến đời thứ 2. Hiện tại, người đứng bếp chính sẽ là con gái và con dâu của chủ quán. Đến đây, bạn có thể chọn ăn trong nhà hoặc ngoài vỉa hè. Quán lâu đời nên không gian không quá mới và rộng. Giá bánh giống như nhiều địa chỉ khác trong vùng, dao động từ 15 000đ – 20 000đ/suất.
Tọa lạc tại số 430 đường Núi Thành là quán bún mắm, bánh căn và bánh đập Đà Nẵng được nhiều người bản địa lui tới. Quán nằm ngay trục đường lớn, không gian thoáng, sạch sẽ và còn khá mới. Khách đến đây sẽ ngồi ăn trong nhà. Chủ quán là một cô tuổi trung niên, người Đà Nẵng chính gốc.
Bánh đập Đà Nẵng là món ăn nổi bật nhất của quán. Vì đặc trưng món bánh đập sẽ ngon nhất khi ăn nóng. Nên bánh tại đây khách gọi đến đâu, cô tráng đến đó để đảm bảo hương vị được trọn vẹn nhất. Mắm nêm được pha vừa miệng, không quá loãng, cũng như không quá mặn.
Thực đơn của quán còn có thêm bún mắm và bánh căn cũng rất đáng thử. Bát bún mắm nêm đậm đà với phần nhân đầy đặn chả bò, heo quay,… Ngoài ra, phải dành một lời khen cho ớt chưng và giấm tỏi tại đây. Tuy nhiên, nếu bạn không ăn được cay thì nên cân nhắc thử với số lượng ít.
10 000đ – 20 000đ là giá thành cho một suất bánh đập Đà Nẵng tại 430 Núi Thành, một cái giá quá rẻ cho món ăn “chơi” bữa xế chiều. Các món ăn còn lại trong thực đơn cũng chỉ từ 20 000đ – 35 000đ/suất. Quán hiện tại có bán tại chỗ, bán mang về và bán gọi ship (Shopee Food, Baemin,..)
Nếu bạn thường xuyên theo dõi chủ đề “foodtour Đà Nẵng” trên mạng xã hội. Chắc chắn đã từng một lần bạn nghe qua cụm từ “Bánh đập Phan Châu Trinh”. Quán ăn này nổi tiếng đến vậy, ngoài chất lượng món ăn xuất sắc. Còn phải kể đến không gian rộng rãi, phục vụ niềm nở và giá thành hợp lý.
Bánh đập của quán có lớp bánh tráng mỏng, giòn và xốp. Kẹp giữa là bánh ướt mềm mềm, dai dai, thêm phần nhân mỡ hành ăn khá vui miệng. “Nhân vật chính” vẫn luôn là chén mắm nêm. So với nhiều quán bánh đập khác trong thành phố, mặm tại đây đặc hơn, mặn mà chuẩn vị miền Trung.
Lý do giúp quán đông khách trong tất cả khung giờ là vì thực đơn phong phú. Quán có đầy đủ các loại bánh đặc sản, như bánh bèo, bánh nậm, bánh ít,… Thực khách đến ăn đều nhận xét bánh mềm và mịn. Bánh nhà làm, nhân tôm thịt đầy đặn, ngon như nhà làm. Ngoài ra, quán còn có hành phi, tóp mỡ thơm béo.
Quán mở từ 9h00 – 21h00 tất cả các ngày trong tuần. Sức chứa tại đây không quá lớn, tối đa 25-30 người. Thời gian phục vụ khá nhanh, vì hầu hết món ăn đã được chế biến sẵn. Nhược điểm duy nhất là nhiều khi, bánh sẽ không quá nóng. Tuy nhiên hương vị vẫn đảm bảo ngon – bổ – rẻ.
Xem thêm: Bún mắm nêm Đà Nẵng
Bánh căn – Bánh đập Đỗ Quang là địa chỉ quen thuộc không chỉ của du khách, mà còn có người dân địa phương. Theo chia sẻ của khách quen, nhiều bạn đã ăn tại đây từ khi học cấp 1, đến lúc đi làm vẫn “đóng họ” thường xuyên. Quán ngoài vỉa hè, với vài chiếc bàn nhựa nhỏ nhưng luôn tấp nập khách xếp hàng.
Bánh đập được cô chủ quán tráng ngay tại chỗ, nên lúc nào khách cũng có bánh nóng thưởng thức. Nhược điểm đi kèm sẽ là thời gian chờ đợi lâu hơn, đặc biệt vào giờ cao điểm. Một suất bánh đập gồm 3 cặp, giá 10 000đ. Mắm nêm có thêm hành phi và tóp mỡ nhà làm, ăn béo béo, bắt miệng.
Theo khẩu vị của người bản địa, mắm nêm của quán loãng và không đủ vị mặn. Nhưng nhiều du khách đến từ phía Bắc và phía Nam lại cảm thấy mắm hợp khẩu vị. Chính vì điều này, quán luôn có sẵn đường, chanh, ớt chưng và cốt mắm để khách pha lại theo sở thích cá nhân.
Ngoài bánh đập Đà Nẵng, bánh căn tại đây cũng nhận được vô số lời khen từ thực khách. Bánh căn có lớp vỏ giòn rụm, nhân thơm ngậy vị trứng cút. Ăn kèm rau sống và nước mắm chua ngọt ngon “nhức nách”. Toàn bộ thực đơn đều có giá rất hợp lý, đảm bảo chỉ với 50 000đ/người là bạn sẽ có bữa xế no nê.
Nếu có một quán ăn mà người Đà Nẵng không muốn cho bạn biết. Thì chính là bún mắm Bé Hà trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Quán ăn này không quảng cáo rầm rộ, nên có khá ít khách du lịch biết đến. Dù vậy, rất khó để thấy bún mắm Bé Hà vắng khách bất kể khung giờ nào trong ngày.
Ngon nhất tại đây là mắm – “linh hồn” của tất cả món ăn trong thực đơn, không riêng gì bánh đập. Mắm nêm lấy từ mắm cá trích loại thượng hạng. Sau đó chủ quán xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt. Mắm được pha chế rất đủ vị, chuẩn theo công thức truyền thống của người miền Trung.
Bánh đập tại quán Bé Hà có giá rẻ nhất thành phố Đà Nẵng, chỉ 12 000đ/suất/3 cái. Mỗi cái bánh có đường kính khoảng 20cm. Sau khi kep bánh tráng và bánh mướt, chủ quán sẽ gập đôi bánh lại, rồi bày lên đĩa. Khách thưởng thức chỉ cần bẻ tường miếng nhỏ, hoặc đập cho bánh vỡ ra theo đúng như tên gọi.
Thực đơn quán bún mắm Bé Hà, ngoài bánh đập còn có thêm gần 10 món ngon khác nhau. Không gian quán sạch sẽ, rộng rãi, thoáng mát, có cả ngoài trời và trong nhà. Quán sử dụng bàn ghế nhựa, ngồi ăn rất thoải mái. Ngoài ra, tại đây còn có trà đá, nước lọc tự phục vụ, hoàn toàn miễn phí.
Quán cô My là địa chỉ quen thuộc của các bạn học sinh, sinh viên Đà Nẵng. Nếu buổi sáng sớm mà thèm bánh đập, bánh nậm, bánh lọc, bánh bèo,.. bạn có thể đến đây và order ngay một suất nóng hổi. Vì quán mở cửa khá sớm so với nhiều hàng bán bánh khác (từ 6h00 – 19h00).
Bánh đập cô My cũng tương tự như bao hàng quán khác, vẫn là cái mềm thơm của bánh ướt, giòn tan từ bánh đa (bánh tráng). Mắm nêm ngon, cho nhiều ăn không sợ thiếu. Tuy nhiên, điểm đặc biệt níu chân khách hàng quay trở lại quán chính là sự hiếu khách và nhiệt tình của chị chủ và nhân viên.
Các loại bánh Huế của quán cũng có hương vị rất xuất sắc. Bột bánh mềm dẻo, nhân xào vừa vị, đẫy đà tôm thịt. Đặc biệt, trong thực đơn còn có món bánh mì bột lọc khá khó tìm trong thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, bạn có thể thử thêm chả bò, nem chua tại đây.
Du khách nếu muốn nếm thử bánh đập Đà Nẵng tại quán cô My có thể đến số 7 An Hòa 10, Cẩm Lệ. Quán nằm ngay mặt đường nên khá dễ đi. Bên cạnh đó, bạn vẫn có thể ngồi tại khách sạn và đặt ship qua app. Hiện tại, quán miễn phí giao hàng trong bán kính 3km (áp dụng tất cả đơn hàng).
Khám phá khu ẩm thực chợ Bắc Mỹ An được xem là hoạt động không thể thiếu khi du lịch Đà Nẵng. Nếu có dịp đến thăm khu chợ này, đừng quên ghé quán Dì Hà. Có nhiều quán ăn bán bánh đập ngon. Nhưng trải nghiệm thưởng thức món bánh đặc sản Đà Nẵng trong không khí nhộn nhịp của chợ sẽ luôn có điểm gì đó rất riêng.
Quán bánh đập và bánh bột lọc Dì Hà nằm ngay cạnh bờ sông. Đến với địa chỉ này, bạn sẽ vừa được ăn ngon, vừa được thả mình trong không khí mát mẻ của thành phố. Bánh đập của dì ăn kèm mắm nêm và hến xào. Bẻ miếng bánh giòn tan, xúc thêm hến thanh ngọt, chấm vào bát nước mắm mặn. Một sự kết hợp thú vị, đủ thổi bừng vị giác.
Nếu bạn không ăn được mắm nêm, quán vẫn có nước mắm chua ngọt phục vụ bạn. Và nếu cảm thấy suất bánh đập ăn không đủ no, hãy thử thêm bánh mì bột lọc tại đây nhé! Sự kết hợp thú vị này hứa hẹn sẽ không làm bạn phải thất vọng. Sau cùng, kết thúc bữa ăn bằng cốc chè xoa xoa hạt lựu, hoặc kem bơ là “chuẩn bài”.
Bánh bột lọc, bánh đập Đà Nẵng Dì Hà mở cửa từ sáng sớm (6h00), đóng cửa vào chiều tối (18h00). Một lưu ý nhỏ dành cho bạn là quán sẽ dừng nhận khách lúc 17h30. Bánh tráng đập có giá 10 000đ/suất, bánh mì bột lọc giá 15 000đ và chả cây có giá 3000đ.
Thực khách nếu đã trót nghiện đặc sản bánh đập Đà Nẵng hay những món liên quan đến mắm. Nhất định phải ghé thăm bánh đập Cô Liên trên đường Nguyễn Huy Diệu. Quán nằm trong con ngõ nhỏ nhưng luôn tấp nập khách ra vào. Đến với địa chỉ này, bạn sẽ luôn được phục vụ bánh mới, còn nóng hổi “vừa thổi vừa ăn”.
Bánh đập của quán cô Liên luôn giữ vững phong độ về chất lượng. Bánh giòn, vị không nhạt nhẽo như hình thức nhờ lớp nhân mỡ hành và đậu xanh nhuyễn. Món bánh này ngon nhất ở nước mắm nêm. Mắm tuy loãng nhưng rất thơm và đậm đà. Khi ăn, khách chỉ cần thêm dầu hành phi, ớt xào đã được quán chuẩn bị sẵn.
Ngoài bánh đập, thực đơn của quán có thêm bún mắm (18 000đ/bát), bánh bèo (2000đ/chén), nem chua (3000đ/cái), chả bò (6000đ/cái) và sữa đậu nành nhà làm. So với mặt bằng chung, quán bán giá khá “hạt dẻ”. Đây cũng là một trong những lý do chính giúp quán cô Liên thu hút khách hàng.
Bún mắm, bánh đập Cô Liên cửa từ 6h00 – 18h00, thời điểm đông khách nhất thường vào tầm xế chiều 15h00 – 17h00. Quán có 1 cô chủ và 2 cô phụ việc đều đã đứng tuổi, nên phục vụ không được nhanh nhẹn. Vào giờ cao điểm thường ít nhiều có sai sót. Tuy nhiên với chất lượng đồ ăn, đây chỉ là nhược điểm rất nhỏ.
Quán cô Xuân có bánh căn Đà Nẵng ngon nức tiếng. Thực khách đến đây phần nhiều vì tiếng vang của món bánh này. Nhưng bạn đừng quên, tại đây cũng có “nhân vật phụ” không kém phần đặc sắc. Đó chính là bánh đập đặc sản Đà Nẵng. Quán mở ngót ngét hơn chục năm, độ “hot” cũng một chín một mười với các quán trong vùng.
Bánh đập cô Xuân phục vụ rất nhanh, chỉ khoảng 2-3 phút. Ngay sau khi khách gọi món, chị chủ sẽ nướng nóng lại lớp vỏ bánh tráng. Về phần bánh mướt đã được chị tráng từ trước và để nguội. Bánh có lớp nhân đậm đà, do mỡ hành được nêm đầy đủ muối, đường, bột ngọt.
Giá cả là ưu thế của quán Xuân. Bánh đập 5000đ/cái, bánh căn 12 000đ/4 cái, bún mắm 20 000đ/bát; chả bò, nem chua gọi riêng cũng chỉ 5000đ/cái. Mắm nêm và nước mắm chua ngọt ở đây được cho rất nhiều, nếu thiếu khách có thể xin thêm miễn phí.
Quán ngồi vỉa hè nên sức chứa không quá lớn, chỉ tầm 10-12 người. Phần lớn khách đến đây đều mua mang về, shipper xếp hàng cũng khá đông. Chị Xuân chủ quán thân thiện, nhiệt tình đúng chất người con Đà Nẵng. Lưu ý, quán chỉ mở khoảng 5 tiếng buổi chiều, từ 14h30 – 19h00.
Cái tên tiếp theo là Bún mắm – bánh đập Cô Mười, quán ăn chỉ người dân bản địa biết đến. Không quảng cáo, không review, lại nằm trong kiệt nhỏ. Nhưng địa chỉ này lại rất “được lòng” thực khách với những món ăn truyền thống, chuẩn vị miền Trung. Giá thành phù hợp với ví tiền của học sinh, sinh viên.
Tại quán cô Mười, hến xào được phục vụ kèm bánh đập. Suất này sẽ có giá 15 000đ. Nếu bạn chỉ muốn thưởng thức bánh đập và mắm nêm, giá sẽ chỉ 5000đ/cái. Ngoài ra, cô Mười còn bán thêm bánh bèo, bánh bột lọc, bún mắm rất ngon. Giá cũng khoảng 15 000đ trở lại. Đây đều là các món ăn phù hợp “lót bụng” bữa xế chiều.
Bún mắm, bánh đập cô Mười có không gian quán sạch sẽ, thoáng mát với sức chứa từ 10-15 người. Quán có chỗ gửi xe, phục vụ trà đá, nước vối, nước lọc miễn phí. Cô Mười chỉ bán hàng 4 tiếng buổi chiều, bánh cũng hết khá nhanh. Hiện tại, quán cũng chỉ có cô đứng bếp, kiêm phụ bàn nhưng tốc độ lên món rất nhanh.
Bánh đập Dì Thanh chỉ là một quán lề đường. Đi trên đường Hoàng Diệu độ khoảng 3 giờ chiều. Bạn chắc chắn sẽ bắt gặp một người phụ nữa trung niên với gánh bánh đập. Xung quanh là vài ba chiếc ghế nhựa cho khách ngồi ăn. Dù quán nhỏ, nhưng khách lúc nào cũng đông nườm nượp.
Bánh mướt và bánh tráng đều đã được dì chế biến sẵn. Khách đến mua hàng, dì chỉ cần thêm mỡ hành rồi kẹp bánh. Bạn ăn bao nhiêu, dì bán bấy nhiêu. Nhiều khách quen còn được dì tặng thêm. Ngoài chất lượng món ăn, chính cách bán hàng sởi lởi cũng là lí do giúp gánh hàng của dì duy trì lượng khách lớn.
Ngoài bán bánh, dì Thanh còn bán thêm nhiều loại nước cho khách tráng miệng. Thực đơn gồm có cà phê muối (26 000đ/cốc), cà phê caramel (28 000đ/cốc) và trà vải (25 000đ/cốc). Thức uống nào cũng rất vừa miệng, đặc biệt là trà vải ngọt thanh, đậm cốt trà, kèm vải ngâm ăn rất “bánh cuốn”.
Hiếm có quán bánh đập nào mở đến tối muộn như quán dì Thanh. Cụ thể, quán bán từ 15h00 – 23h00. Lượn lờ ngắm phố buổi đêm, rồi tại qua 354 Hoàng Diệu, làm đôi ba cái bánh đập xua tan cơn đói sẽ là một trải nghiệm đáng để thử. Hơn hết, bánh ở đây rất rẻ, chỉ 10 000đ cho 3 cặp bánh.
Bánh đập 94 Tôn Đản tọa lạc trong con hẻm nhỏ với không gian quán kiểu cũ. Theo như chia sẻ của khách quen, quán ăn này đã tồn tại từ nhiều thập niên trước. Hầu hết người lớn, thuộc thế hệ ông bà, cha mẹ trong khu phố đều biết, trải nghiệm, và gắn bó với món bánh đập tại đây.
Bánh đập Tôn Đản có hương vị rất đặc biệt, khó quán ăn nào có thể bắt kịp. Đầu tiên là lớp bánh ướt dẻo, trong và dai hơn các chỗ khác. Tiếp theo là nhân bánh được quết dầu hành, rắc thêm lá hẹ thái nhỏ thơm lừng. Khi ăn không hề hăng, mà còn giảm đi cái ngán của bột. Cuối cũng vẫn là lớp bánh tráng mỏng nhẹ, giòn tan.
Mắm nêm của quán được pha cùng nhiều gia vị như dứa xay, tỏi ớt giã nhuyễn, dầu hành, đường. Với tỉ lệ hài hòa, làm lên bát mắm ngon xuất sắc. Với ưu điểm này, bún mắm tại đây cũng nhận được nhiều lời khen không kém bánh đập. Ngoài ra, bạn cũng nên thử thêm nem chả, bánh bèo.
Quán phục vụ thân thiện, lên món khá nhanh, trừ khung giờ cao điểm. Giá từng món cũng không khác biệt so với mặt bằng chung. Cụ thể, bánh đập 5000đ/cái, bún mắm 20 000đ/bát, bánh bèo 15 000đ/6 chén. Quán có ngồi ăn tại chỗ, sức chứa tối đa 30 người. Ngoài ra, khách có thể mua mang về hoặc gọi ship.
Món bánh đặc sản Đà Nẵng – bánh đập nổi tiếng tuy đơn giản nhưng lại có cách chế biến khá cầu kì, và đòi hỏi sự khéo léo. Ngay bài viết này, 2Trip sẽ giới thiệu đến bạn đọc công thức chế biến bánh đập ngay tại nhà.
Bánh đập được xem là một trong những đặc sản được nhắc đến nhiều nhất trong ẩm thực Đà Nẵng. Động từ “đập” trong tên gọi xuất phát từ cách thưởng thức món bánh này. Lớp ngoài của bánh đập là bánh tráng nướng giòn. Nên khi ăn, thực khách sẽ phải dùng tay “đập” để có từng miếng bánh nhỏ.
Bánh đập là sự kết hợp thú vị giữa bánh tráng và bánh ướt. Cách “đập” trong văn hóa thưởng thức đến từ mục đích làm cho hai lớp bánh kết dính lại với nhau. Vì bánh ướt khó tiếp xúc bề mặt vốn công vênh của bánh tráng khô. Bánh đập là món ăn rẻ tiền. Nhưng chính cái dân dã ấy lại chiếm trọn cảm tình du khách thập phương.
Linh hồn làm nên món bánh đập đặc sản Đà Nẵng là chén mắm nêm thơm nồng. Mắm nêm vốn là đại diện cho ẩm thực miền Trung Bộ. Mắm nêm là mắm cái, được làm từ cá trình (hoặc cá cơm,…) lên men. Mùi hương đặc trưng của loại mắm này khá kén người ăn, nhưng đã ăn là “sẽ nghiện”.
Để thưởng thức bánh đập Đà Nẵng một cách đúng điệu, du khách sẽ làm theo từng bước sau. Bước 1, đập bánh thành nhiều miếng nhỏ. Bước 2, chấm bánh vào bát mắm nêm mằn mặn, thơm vị dứa xay. Bước 3, cảm nhận vị bánh giòn, xen thêm chút mềm mướt của bánh ướt, cùng cái đậm đà từ mắm nêm.
Ngoài nhân hành phi truyền thống, bánh đập còn có thêm nhân tôm thịt xay, nhân lá hẹ,… Nhiều nơi còn ăn bánh đập cùng hến xào, chả bò, nem chua,… Bánh ngon nhất khi ăn nóng, vì bạn sẽ thấy rõ nhất độ giòn, cũng như hương thơm từ bánh ướt bột gạo.
Nguyên liệu cho món bánh đập ngon “đúng điệu” đều là những cái tên quen thuộc với người Việt Nam. Như bột gạo tẻ, bánh tráng, hành khô,… Toàn bộ đều đã bán sẵn trong chợ và nhiều hệ thống siêu thị lớn nhỏ. Thành phần quan trọng nhất bạn cần chuẩn bị là dụng cụ tráng bánh mướt.
Bước 1: Pha bột
Bạn chuẩn bị một nồi lớn, sau đó cho lần lượt 3 loại bột đã chuẩn bị phía trên vào trộn đều. Bước tiếp theo, bạn cho vào nồi 750ml nước lọc, 1/2 muỗng cà phê muối, 2 thìa dầu ăn, và khuấy cho bột tan ra. Bột pha đủ loãng, bánh sẽ đủ mềm. Để thành phẩm bột sau khi tráng dẻo và thơm, bạn sẽ cần để bột nghỉ 1-2 tiếng.
Bước 2: Tráng bánh mướt
Bánh mướt phải được hấp chín trên nồi nước sôi. Vì vậy, công đoạn đầu tiên bạn cần làm là đun sôi nước, trên nồi có đặt sẵn dụng cụ tráng bánh. Lưu ý đối với vải tráng bánh phải được khử trùng sạch sẽ, mặt vải cũng cần căng phẳng đều.
Trước khi tráng bánh, bạn khuấy đều nồi bột để tránh tình trạng bột lắng xuống đáy nồi. Bước tiếp theo, bạn múc một muỗng canh bột, dàn đều thành hình tròn theo khung nồi. Sau đó đậy vung khoảng 30 giây cho bánh chín. Cuối cùng, bạn sử dụng đũa dìa, gạt phần mép bánh rồi khéo léo nhấc lên đĩa.
Bước 3: Phi hành và làm mỡ hành
Để có bát mỡ hành và hành phi thơm giòn, trước hết, bạn cần thái nhỏ hành lá và thái lát đối với hành tím. Bạn đun sôi dầu ăn, phi hành tím ngập dầu đến khi chuyển màu cánh gián thì tắt bếp, vớt hành. Cũng chảo dầu đã phi hành, bạn thêm hành lá, muối và đường, đun 1 phút để hành chín rồi tắt bếp.
Bước 4: Pha mắm nêm
Bánh đập thiếu mắm nêm giống như gà thiếu lá chanh. Vì vậy, đừng bỏ qua công thức “vàng” cho bát mắm nêm ngon “bất bại”. Đầu tiên, bạn phi thơm tỏi, ớt, sả băm cùng 2 thìa dầu ăn. Thêm vào chảo dứa xay, 5 thìa nước cốt mắm nêm, 1 thìa đường rồi đun sôi hỗn hợp. Có thể thêm đường nếu thích ngọt, và nước lọc nếu thích mắm loãng.
Bước 5: Trình bày và thưởng thức
Sau khi hoàn thành chế biến tất cả nguyên liệu, bạn tiến hành kẹp bánh. Đặt bánh mướt lên bánh tráng nướng giòn, quết một lớp mỡ hành, rắc một lớp hành phi, rồi gập đôi bánh lại. Bánh đập được phục vụ kèm mắm nêm và dầu hành. Cả nhà nên thưởng thức lúc bánh nóng để có trải nghiệm trọn vẹn nhất nhé!
Trên đây là thông tin chi tiết về bánh đập Đà Nẵng cùng 14 địa chỉ bán bánh đập đáng thử nhất khi đi du lịch. Cảm ơn bạn đọc đã dành thời gian theo dõi bài viết, và chúc bạn có trải nghiệm tốt với món ăn này!
Nguồn tham khaor
Nền tảng du lịch số 1 Việt Nam
Website hoạt động trong lĩnh vực du lịch với chủ đề chính truyền tải những thông tin về các địa điểm du lịch của Việt Nam, những kiến thức giúp bạn đọc hiểu được hơn về các vùng miền trên toàn quốc.
2Trip có một định hướng lối đi rõ ràng, là cầu nối giữa người cung cấp dịch vụ du lịch và khách hàng trải nghiệm du lịch