Quần thể núi Ngũ Hành Sơn cũng là một trong những niềm tự hào lớn nhất của người dân Đà Nẵng. Vì vậy, ngay bây giờ 2Trip sẽ cùng bạn tìm hiểu tất tần tật về danh thắng Ngũ Hành Sơn nhé.
Tọa lạc trên tuyến đường Đà Nẵng – Hội An, Ngũ Hành Sơn chỉ cách trung tâm thành phố 8km về phía đông nam. Đây là điểm đến được du khách vô cùng ưu ái và luôn được lựa chọn trong lịch trình du lịch Đà Nẵng. Cụ thể, danh thắng này nằm trên con đường Huyền Trân Công Chúa, phường Hòa Hải và thuộc địa phần quận Ngũ Hành Sơn.
Nhìn chung, quần thể Ngũ Hành Sơn được tạo nên từ 6 núi đá vôi nhô lên ven biển: Thủy Sơn, Mộc Sơn, Hỏa Sơn (bao gồm Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và Kim Sơn. Tất cả đều có cảnh quan vô cùng hùng vĩ bởi những công trình kiến trúc đồ sộ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc cùng với những ngọn đá cổ kính.
Sở dĩ địa danh này có tên Ngũ Hành Sơn vì chịu ảnh hưởng của Hán học – Trung Quốc. Vì đứng từ trên cao nhìn xuống, núi này có hình dáng giống như một bàn tay khổng lồ có 5 ngón cắm thẳng xuống đất. Từ xưa, điểm đến này có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Phổ Đà Sơn, Bạch Hoa Ngũ Chỉ, Ngũ Uẩn Sơn.
Cho đến đầu thế kỉ 19, vào năm 1825, nhà vua Minh Mạng có dịp vi hành đến nơi này và vua đã dựa theo vị trí tự nhiên, cấu tạo của núi và thuyết âm dương ngũ hành. Theo thứ tự, các ngọn núi được gọi là: Kim, Mộc, Thủy Hỏa, Thổ và quần thể có tên gọi chính thức là Ngũ Hành Sơn. Cái tên này từ đó được sử dụng cho đến ngày nay.
Ngoài phong cảnh thiên nhiên nên thơ, … vãn cảnh chùa chiền thanh tịnh và khám phá những hang động kì vĩ mà thiên nhiên đem lại cũng sẽ khiến tất cả mọi người phải trầm trồ. Vì vậy, du khách cần ít nhất nửa hoặc một ngày mới có thể tham quan hết.
Xem thêm: Cà Phê Đà Nẵng | Khám Phá Ngay 21 Địa Chỉ Quán Cà Phê Ngon Sang Chảnh Dành Cho Dân Sống Ảo
Xe máy: Là một trong những danh lam thắng cảnh Đà Nẵng có đường dễ đi, bạn có thể lựa chọn xe máy làm phương tiện di chuyển khi đến Ngũ Hành Sơn. Chỉ với 100.000 – 150.000đ/ngày, bạn có thể di chuyển đến danh thắng trong thời gian ngắn khoảng 15 phút.
Xe bus: Bạn có thể đi tuyến số 1 Đà Nẵng – Hội An. Điểm xuất phát là Bến xe Trung tâm thành phố và xuống thẳng tại Ngũ Hành Sơn. Chú ý thời gian chờ giữa các chuyến là 30 phút. Đây là một phương tiện an toàn và giá sinh viên 15.000đ/người rất đáng để thử.
Taxi: Nếu bạn đi theo nhóm bạn hoặc gia đình thì có thể chọn taxi hoặc grab để di chuyển đến Ngũ Hành Sơn một cách nhanh chóng nhất. Đà Nẵng là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước nên tìm kiếm một hãng taxi vô cùng dễ dàng. Ưu điểm của phương tiện này là bạn có thể linh hoạt thời gian và không phải chờ đợi.
Ngoài 6 ngọn núi đá vôi đồ sộ là khu du lịch chính thì địa danh này cũng có rất nhiều nơi có phong cảnh đẹp khác như hang động, chùa chiền… Hàng năm, nơi này đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến thăm quan và luôn nhận được những lời khen “có cánh” về cảnh đẹp do tạo hóa ban tặng.
Ngũ Hành Sơn được những khối núi đá vôi tạo thành nằm trên bãi cát ven biển rộng. Mỗi ngọn núi đều có những vẻ đẹp riêng biệt từ hình dáng, kích cỡ, vị trí… cho đến cấu trúc hang động. Kiến trúc nơi đây đều có giá trị to lớn về tâm linh, lịch sử và văn hóa.
Với chiều cao 106m và rộng 7 hecta, Thủy Sơn bao gồm 3 tầng đỉnh như 3 ngôi sao chòm Đại Hùng là Thượng Thai, Trung Thai và Đại Thai (còn hay được gọi là Tam Thai). Đồng thời, ngọn núi này cũng là nơi tập trung nhiều nhất những hang động, chùa chiền có cảnh sắc đẹp.
Nếu du khách muốn lên núi Thủy Sơn, bạn có thể đi bộ với 2 con đường chính: cổng Tây gồm 156 bậc thang dẫn tới chùa Tam Thai và cổng Đông gồm 108 bậc thang dẫn thẳng tới chùa Linh Ứng. Theo kinh nghiệm của du khách, mọi người sẽ chọn lên ở cổng Tây và theo cổng Đông để xuống núi.
Ngọn núi này cũng là vua tới thăm nhiều nhất bởi vẻ đẹp của núi non quá đỗi hùng vĩ. Nếu có dịp ghé Đà Nẵng, du khách có thể chọn Thủy Sơn là điểm đến lý tưởng để khám phá thiên nhiên hùng vĩ giữa lòng Đà thành và ngắm nhìn khung cảnh toàn thành phố từ trên cao.
Như đã nói ở trên, chùa Linh Ứng có tuổi đời gần 200 năm và có vị trí ở cổng Đông của Ngũ Hành Sơn. Mặc dù được xây dựng từ những năm 1825, thời của vua Minh Mạng nhưng đến nay chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ riêng biệt không nơi nào có được.
Khi bước vào chính điện của chùa, ấn tượng đầu tiên của du khách sẽ là hệ thống tượng pháp được bài trí công phu: Văn Thù Bồ Tát, Quan Thế Âm, Địa Tạng, Quan Âm Chuẩn Đề, Phổ Hiền Bồ Tát, Thích Ca Như Lai… Đặc biệt, tượng Thích Ca với kích thước 10m nằm ở trung tâm chùa Linh Ứng cùng với tượng Bồ Tát Địa Tạng và Quan Thế Âm Bồ Tát ở hai bên.
Ngoài chính điện, chùa Linh Ứng còn rất nhiều khu vực khác có thiết kế khác nhau nhưng đều mang đậm tính Phật giáo đặc trưng. Chính vì vậy, Bộ văn hóa đã công nhận địa danh này là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Không chỉ thu hút rất nhiều du khách tứ phương yêu thích tâm linh, ngôi chùa này còn mang lại cảm giác bình yên, rời xa chốn thành thị ồn ào, nhộn nhịp.
Được khởi công từ năm 1630, chùa Tam Thai cũng là một trong những ngôi chùa lớn nhất Ngũ Hành Sơn có kiến trúc Phật giáo cổ đặc trưng. Nơi đây cũng từng là địa điểm thiền sư Hưng Liên của Trung Quốc sang Đại Việt trụ trì. Ngôi chùa được tái xây dựng nhưng giữ được nét đẹp ban sơ với 3 tầng kiến trúc sừng sững, uy nghiêm ở 3 phía Đông, Bắc, Nam khác nhau.
Với kiểu thiết kế theo Hán Tự đọc là chữ Vương, đây là khối kiến trúc nghệ thuật và mang tính thẩm mỹ rất cao. Ở phía bên ngoài, chùa có tất cả 3 cổng được xây dựng kiểu lầu chuông lợp mái đặc sắc. Theo như đạo Phật, sư thầy sẽ đi vào theo cổng chính ở giữa, cổng bên phải sẽ dành cho nữ và nam sẽ bước qua cổng bên trái.
Lối thiết kế thời Nguyễn cũng được thể hiện rõ ở chất liệu ngói lưu ly và điểm xuyết 2 tượng con rồng ở hai bên. Cũng như các ngôi chùa khác, sân Tam Thai cũng được bố trí rất nhiều tượng như Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật A Di Đà Như Lai… Đồng thời, đến đây bạn có thể tham quan vọng Giang Đài, chùa Từ Lâm… cũng có phong cảnh rất hữu tình.
Những làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ có tuổi đời trên 400 năm cũng là một điểm đến không thể nào bở lỡ nếu có dịp đến chùa Tam Thai. Chỉ gói gọn trong một ngôi chùa mà du khách phải choáng ngợp khi đến đây. Chốn bồng lai tiên cảnh với lối kiến trúc cầu kì của một thời đại ẩn mình trong thành phố Đà Nẵng luôn khiến mọi người muốn tìm về.
Xem thêm: Bỏ Túi Ngay 9 Quán Ăn Ngon Ngũ Hành Sơn Nhất Định Bạn Nên Thử Khi Đến Đà Nẵng
Nằm trên đỉnh Thượng Thai của đỉnh núi Thủy Sơn, đây được mệnh danh là hang động đẹp nhất địa danh Ngũ Hành Sơn. Động Huyền Không có cấu trúc lộ thiên độc đáo ết hợp với đặc điểm của hang động, du khách khi đến đây đều phải trầm trồ vì thứ ánh sáng lung linh huyền ảo này.
Huyền Không Động vô cùng thoáng mát và khiến mọi người mãn nhãn vì sự lấp lánh của thạch nhũ. Ngay bên ngoài, cửa động được khắc 3 chữ Huyền Không Quan rất dễ tìm. Vì cổng khá là hẹp và các bậc thang sâu nên quan khách cần chú ý hơn khi di chuyển.
Tiến vào bên trong, do thời gian và điều kiện thiên nhiên nên nhiều vách đá có những hình thù vô cùng lạ mắt. Và điển hình là thạch nhũ tên Vú Mẹ. Theo như người dân đại phương, đá này gọi là đá cẩm thạch. Chính vì chất liệu này mà vào thế kỉ 19, người Pháp đã gọi danh thắng là “Những ngọn núi đá cẩm thạch”.
Nói đến vấn đề tâm linh, du khách thường lựa chọn điểm đến này để cầu tài lộc ở đền bà Chúa Tiên và cầu bình An tại đền chúa Thượng Ngàn. Bên cạnh đó, Động Huyền Không còn nổi tiếng bởi ý nghĩa lịch sử vô cùng hoành tráng. Có thể bạn không biết, quân đội Mỹ vì địa hình hiểm trở độc đáo ở nơi này mà thiết lập điểm tập huấn quân biệt kích và là nơi ẩn nấp cho các đơn vị Mỹ – Ngụy.
Nằm ở phía Nam ngọn núi Thủy Sơn, Động Âm Phủ gần như không có một tia nắng mặt trời. Khung cảnh tại đây càng đi vào sâu, du khách càng cảm thấy tối tăm, lạnh lẽo. Ngay trước động sẽ là cầu Âm Dương, đi sâu vào trong thì con đường sẽ chia làm 2 ngả là Địa Ngục và Thiên Đường.
Động Âm Phủ có tất cả 12 cửa ngục, và mỗi cửa ngục ứng với 1 vị quan cai quản. Ra khỏi hang động sẽ dẫn đến cung đường lên Thiên Đường. Nơi đây là những bậc thang phủ đầy ánh sáng nhân gian, mở lối cho những tâm hồn lương thiện.
Theo thuyết âm dương, con người và vạn vật luôn có mặt thiện và mặt tà song hành với nhau. Bởi vậy mà động có 2 còn đường như ranh giới giữa Thiện và Ác. Khi thăm quan nơi đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng thiên nhiên mà còn được tìm hiểu về những câu chuyện truyền thuyết mang tính dân gian được truyền từ đời này sang đời khác.
Xem thêm: Ghé Thăm Đền Lĩnh Chúa Linh Từ – Ngôi Đền Nổi Tiếng Trên Núi Chúa Bà Nà
Du khách ghé thăm cuối cùng trong lịch trình. Lí do chính là điểm đến này nằm ngay dưới chân dãy núi nổi tiếng này. Nhưng trải nghiệm ở làng đá với những khối đá muôn hình muôn vẻ sẽ không khiến du khách phải thất vọng.
Theo như kể lại, ông Huỳnh Bá Quát sinh ra tại Thanh Hóa thành lập làng nghề này ở Đà Nẵng vào những năm đầu thế kỉ 18. Chính bởi đặc điểm có nhiều hang động hình thành nên đá cẩm thạch, ông đã phát hiện ra loại đá này có thể tạo ra các sản phẩm trang trí. Từ đó, những sản phẩm như chày, cối giã thuốc, cối giã tiêu… được ông đục đẽo cực kì công phu ra đời.
Từ đó cho đến nay, làng mỹ nghệ Non Nước đã phát triển hơn và sở hữu gần 500 cơ sở trên toàn quốc. Và vào năm 2014, làng nghề đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nơi này vẫn luôn thu hút đông đảo quan khách yêu nghệ thuật và muốn chiêm ngưỡng những tác phẩm đặc sắc đến từ đá cẩm thạch.
Xem thêm: Thánh địa mỹ Sơn | Khám Phá Tất Tần Tật Những Điều Thú Vị Tại Quần Thể Kiến Trúc Đền Đài Chăm Pa Cổ
Quán Thế Âm – Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Tên gọi này cũng bắt nguồn từ tác phẩm thạch nhũ được thiên nhiên mài giũa thành bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Đặc biệt là món quà này có kích thước bằng người thật, ngũ quan cân đối và hoàn toàn tự nhiên. Chính điều này mà rất đông du khách trong và ngoài nước cùng các Phật tử trên cả nước đều muốn tận mắt chứng kiến.
Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hằng năm vào ngày 19 tháng 2 âm lịch. Vậy nên thời điểm này thu hút đông đảo du khách tứ phương đến tham gia để cầu chúng sinh an lạc, một đời bình an và khơi dậy lòng từ bi ở mỗi người.
Quán Thế Âm cũng mang những giá trị văn hóa cùng bản sắc dân tộc vào trong hồn của lễ hội. Phần lễ thì nổi bật với lễ nghi Phật giáo nghiêm trang. Còn phần hội lại là những trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc.
Phần lễ còn được tổ chức rất phong phú và đặc sắc: Lễ khai kinh, Lễ trai đàn chẩn tế, Lễ rước ánh sáng, Lễ rước tượng Quan Âm, Lễ Thuyết giảng về Bồ tát Quan Thế Âm và dân tộc. Ngoài ra còn có lễ tế Xuân để cầu cho quốc thái dân an được tổ chức vào buổi tối ngày 18 tháng 2 âm lịch. Và tất cả các hoạt động đều miễn phí tham gia.
Đến phần hội, du khách sẽ đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi sự đa dạng và chỉnh chu của khâu tổ chức. Lễ hội này diễn ra liên tục 3 ngày 3 đêm trong chùa Quan Thế Âm, núi Kim Sơn với nhiều hoạt động như: thi pháp, thi tranh thủy mặc, trang trí cổng trại, triển lãm tượng đá, đua thuyền, thả hoa đăng trên sông Cổ Cò, kéo co….
Riêng phần hội, được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú: hội hoá trang, hát bội (tuồng), thi các môn: thi pháp, tranh thuỷ mặc, thả hoa đăng trên sông Cổ Cò, đua thuyền, lắc thúng chai, kéo co, bơi chải, thi nấu ăn chay, trang trí cổng trại, hát bài chòi, thiền trà, triển lãm tượng đá và hội thi điêu khắc đá của làng đá mỹ nghệ Non Nước… kéo dài trong suốt 3 ngày, 3 đêm trong khuôn viên chùa Quan Thế Âm, núi Kim Sơn và bên bờ sông Cổ Cò.
Xem thêm: Chả Bò Đà Nẵng | Bật Mí Top 5 Địa Chỉ Thơm Ngon Mà Dân Bản Địa Không Muốn Bạn Biết
Giá vé tham quan ở địa danh Ngũ Hành Sơn khá bình dân và ai cũng có thể đến tham quan được, cụ thể như sau:
Địa điểm tham quan |
Giá vé tham quan |
||
Người lớn |
Học sinh sinh viên |
Trẻ em dưới 6 tuổi |
|
Thủy Sơn |
40.000đ/người/lần |
10.000đ/người/lần |
Miễn phí |
Động Âm Phủ |
20.000đ/người/lần |
7.000đ/người/lần |
Miễn phí |
Nếu nói đến khách sạn sang trọng và hiện đại bậc nhất Đà Nẵng thì đây là cái tên không thể nào bỏ qua. Với phong cách thiết kế cổ điển, quý phái nằm trong khuôn viên sinh thái đa dạng, khu nghỉ dưỡng Vinpearl Resort & Spa Đà Nẵng nằm trọn trên bãi biển Non Nước tạo nên một khung cảnh nên thơ, huyền bí.
Với tổng cộng 122 căn villa ít nhất 2 phòng ngủ, Vinpearl Đà Nẵng có thể chứa một lượng du khách khổng lồ mỗi năm. Mỗi hạng phòng đều có một đặc điểm khác nhau nhưng nhìn chung các phòng nghỉ đều mang tông màu trắng đặc trưng. Lối kiến trúc đậm chất Châu Âu, từ ghế sofa cho đến vải rèm đều mang họa tiết tối giản mà rất tinh tế. Trên tường, các loại đèn được nhập khẩu từ phương Tây với ánh sáng vàng ấm cúng, tạo sự thoải mái cho du khách tứ phương.
Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng còn có đầy đủ những tiện nghi với tiêu chuẩn 5 sao cao cấp như hồ bơi, khu spa, sân vườn tổ chức BBQ, quán bar riêng tư… Tất cả đều được phục vụ một cách chu đáo và chất lượng nhất. Nhân viên cũng được đào tạo cực kì nghiêm ngặt để mang lại trải nghiệm tuyệt vời nhất cho du khách.
Quan trọng nhất là khu nghỉ dưỡng này chỉ cách Ngũ Hành Sơn 4,3km và cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 15 phút lái xe. Và địa điểm nằm ngay trung tâm này cũng vô cùng dễ dàng cho du khách bắt taxi hoặc là đi xe bus. Cũng chính nơi này, bạn có thể ngắm trọn vẹn view biển Non Nước trong xanh mà không phải đi xa.
Xem thêm: Nhà Hàng 5 Sao Đà Nẵng | Top 9 Địa Chỉ Sang Trọng Bậc Nhất
Nếu bạn đang tìm kiếm một khách sạn gần Ngũ Hành Sơn với giá cả phải chăng thì đây là một lựa chọn tuyệt vời. Địa điểm này cách Ngũ Hành Sơn 6,1km và trung tâm thành phố 3km, du khách sẽ không phải mất nhiều thời gian tìm kiếm.
Cũng có view nhìn thẳng ra biển, chùa Linh Ứng, khách sạn luôn có lượng khách rất đông khách đến lưu trú. Không cần phải di chuyển, bạn cũng có thể được tận hưởng những dịch vụ như an ninh 24/7, dọn dẹp phòng hằng ngày, wifi phủ sóng mọi nơi…. Du khách khi đến đây đều đánh giá cao và để lại những lời khen “có cánh” cho khách sạn.
Các phòng đều mang lối thiết kế tối gian với gam màu trắng và xanh lam nhẹ dịu. Khách sạn cũng sử dụng giấy dán tường với họa tiết trang trí màu xanh để phù hợp với kiến trúc hiện tại. Mặc dù chỉ là một khách sạn 3 sao nhưng Le Manoir Premier cũng theo xu hướng của lối thiết kế Châu Âu cổ điển. Mỗi chiếc ghế đều được lót một lớp nhung mịn tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng trong quá trình sử dụng.
Chỉ với 31 phòng nhưng Le Manoir Premier Da Nang đều rất đầu tư và chỉnh chu để mang lại những phút giây tuyệt vời nhất đến với khách hàng. Trong phòng đều được trang bị tivi cỡ lớn, thảm, trà miễn phí, máy giữ ẩm… Đặc biệt hơn khi khách sạn còn quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mỗi người khi gợi ý cho du khách những địa điểm vui chơi, giải trí xung quanh.
Khi vào Đà Nẵng, nhất định du khách nào cũng phải ăn thử món mỳ quảng – món ăn đặc trưng của con dân miền Trung. Món ăn này có kết cấu nước dùng không quá loãng mà hơi sền sệt và có hương thơm thoang thoảng của củ nén, cụ nghệ. Có thế nói đây là một biến tấu của mì trộn khô, rất thích hợp để thay thế cho phở, bún…
Một tô mỳ Quảng sẽ được đầu bếp cầu kì xếp thành 3-4 lớp vô cùng đẹp mắt. Lớp đầu tiên sẽ bao gồm 9 loại gia vị quen thuộc khác nhau: xà lách, giá đỗ, rau mùi, húng quế, hành lá, rau răm, cải non và hoa chuối được thái mỏng. Tiếp theo là lớp mì có màu vàng đặc trưng được làm từ nước củ rảnh rành và bột gạo xay nhuyễn.
Nói đến phần nhân của bát mỳ vô cùng phong phú của các loại thịt. Thịt gà, thịt heo, tôm, ếch và cá lóc sẽ được nêm gia vị trước và đảo sơ qua với bột nghệ. Chính điều này làm nên điểm đặc biệt cho món mỳ quảng nơi đây. Và thông thường, người dân Đà thành sẽ ăn kèm món này với bánh tráng vừng, miền Bắc gọi là bánh đa.
Mỗi bát mỳ như vậy sẽ có giá 45.000 – 55.000đ/bát tùy quán. Mức giá vô cùng hợp lý và rất hợp khi ăn với ớt chưng. Bạn có thể chọn chợ Cồn để thưởng thức món ăn này, vừa được ăn món ngon vừa trải nghiệm không khí khu chợ truyền thống Đà Nẵng.
Địa chỉ quán ăn mì quảng ngon:
Xem thêm: Mì Quảng Đà Nẵng | TOP 12 Quán Ăn Có Giá Cả Phải Chăng Nhất Cho Khách Du Lịch
Đến Đà Nẵng mà không ăn hải sản như ăn phở mà không có quẩy. Thành phố biển thu hút khách du lịch bởi hải sản tươi rói, được đánh bắt và chế biến trong ngày nên vô cùng thơm ngon và ngọt thịt. Các hàng, quán kinh doanh món ăn này bạn có thế bắt gặp bất cứ đâu và quán nào cũng vô cùng đông đúc và nhộn nhịp.
Vì lúc nào cũng có hải sản tươi nên người dân nơi đây có rất nhiều cách chế biến chúng. Từ hấp, nướng cho đến nướng, lẩu, làm gỏi đều rất ngon mà không cần quá cầu kì. Thành phẩm sau khi chế biến xong từ trang trí, hương vị không thể nào chê. Cho dù là nhà hàng 5 sao hay quán vỉa hè đều mang lại cho thực khách những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Với vị trí đắc địa là thành phố sát biển, hải sản ở đây không chỉ tươi ngon mà giá cả cũng vô cùng sinh viên, học sinh. Chỉ với 800.000đ, bạn sẽ có một bữa ăn thịnh soạn cho 2 – 3 người với đầy đủ sơn hào hải vị của miền biển. Bạn nhất định phải thưởng thức hải sản bên cạnh bãi biễn rì rào nếu có dịp ghé thăm Đà Nẵng nhé.
Địa chỉ ăn hải sản ngon:
Xem thêm: Nhà Hàng Hải Sản Đà Nẵng | Bỏ Túi 07 Cơ Sở Sang Trọng, Chất Lượng Không Thể Bỏ Qua
Người dân Nam Trung bộ đã quá quen với đặc sản Đà Nẵng – Bánh xèo. Đến Đà thành, những chiếc bánh xèo vàng ươm, nóng giòn và kích thước chỉ bằng bàn tay xuất hiện ở mọi nơi từ nhà hàng cho đến những quán ăn vặt vỉa hè.
Bánh xèo nơi đây có vỏ màu vàng óng của nghệ, vị ngọt của nước cốt dừa đọng lại ở cổ . Người nghệ nhân sẽ tráng một lớp bánh thật mỏng lên mặt chảo nóng, sau đó đến tôm, thịt và giá đỗ tươi. Món ăn này sẽ được được phục vụ kèm với rau sống, đồ chua và nước mắm chua ngọt rất đưa miệng.
Một điều thú vị là người Đà Nẵng thường ăn món ngon này với sốt đậu phộng. Nguyên liệu để làm nước sốt này bao gồm: đậu phộng, tương đậu, gan heo và mè xay nhuyễn. Khi nấu lên, nước sốt sẽ đặc lại và mang màu nâu óng ả, hấp dẫn. Khi chấm cùng bánh xèo, du khách sẽ cảm thấy vị béo ngậy của sốt hòa quyện cùng bánh xèo giòn tan, đậm đà.
Địa chỉ ăn bánh xèo gần Ngũ Hành Sơn ngon:
Xem thêm: TOP 8 Quán Bánh Xèo Đà Nẵng Lâu Đời Nhất Du Khách Nên Thử
Di tích lịch sử này mang rất nhiều ý nghĩa và văn hóa lâu đời. Du khách khi đến đây nên thuê hướng dân viên hoặc thuyết minh trước khi vào để có thể cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp và giá trị sâu bên trong của Ngũ Hành Sơn.
Bên đây là quần thể núi đá vôi nên địa hình chủ yếu là đường núi thẳng đứng, hiểm trở. Các bậc thang khá dễ trơn trượt. Vì vậy du khách có thể chọn tham quan làng cổ mỹ nghệ ở dưới chân núi hoặc chọn thang máy là phương tiện di chuyển sẽ an toàn hơn.
Bên trong danh lam thắng cảnh này có rất nhiều chùa chiền linh thiêng, trang nghiêm nên bạn lưu ý ăn mặc gọn gàng, lịch sự, nên mặc váy hoặc quần dài dưới đầu gối. Bên cạnh đó, nơi này cũng bán rất nhiều đồ lưu niệm cho du khách lựa chọn nhưng bạn nhớ mặc cả trước để không bị chặt chém nhé.
Thời điểm hợp lý nhất để thăm quan danh thắng Ngũ Hành Sơn là vào mùa xuân, cụ thể là trong khoảng tháng 2 đến tháng 5 hoặc mùa thu từ tháng 6 đến tháng 9. Nếu vào 2 mùa này thì thời tiết khá thuận lợi, không khí khô ráo và nhiệt độ ngoài trời không quá cao.
Từ cuối tháng 10 đến những ngày cuối tháng 11 sẽ là mùa mưa của Đà Nẵng. Đường núi và các bậc thang có nhiều rêu và dễ trơn trượt. Và thời gian mở cửa của địa danh này là từ 7h – 17h30 nên bạn cần chú ý sắp xếp lịch trình thật hợp lý để có những trải nghiệm thú vị nhất tại đây nhé.
Như vậy, bài viết trên đã tổng hợp tất tần tật kinh nghiệm cũng như những tiện ích có vị trí gần với Ngũ Hành Sơn. Chúc bạn đọc có những phút giây thoải mái bên gia đình và sắp xếp được một lịch trình như ý khi đến với núi Ngũ Hành Sơn. Hẹn gặp lại ở những bài viết tiếp theo.
Nguồn tham khảo:
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Nền tảng du lịch số 1 Việt Nam
Website hoạt động trong lĩnh vực du lịch với chủ đề chính truyền tải những thông tin về các địa điểm du lịch của Việt Nam, những kiến thức giúp bạn đọc hiểu được hơn về các vùng miền trên toàn quốc.
2Trip có một định hướng lối đi rõ ràng, là cầu nối giữa người cung cấp dịch vụ du lịch và khách hàng trải nghiệm du lịch