Kinh thành Huế là một trong những nơi hiếm hoi còn lưu giữ lại được kiến trúc cổ xưa của Việt Nam. Đến với vùng đất cố đô này, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng các công trình cung điện, đền đài, lăng tẩm, thành trì,… độc đáo và lâu đời. Đồng thời, tìm thấy cho mình một chút thanh bình, yên tĩnh giữa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngoài kia.
Kinh thành Huế còn có tên gọi khác là Thuận Hóa kinh thành, nằm ở bờ bắc sông Hương, thuộc địa phận của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một tòa thành cổ ở vùng đất cố đô – nơi mà trước kia triều đại nhà Nguyễn từng đóng đô (từ năm 1805 đến năm 1945).
Kinh thành Huế sở hữu không gian rộng lớn với hơn 140 công trình kiến trúc, cung điện, đền đài độc đáo và mang nhiều giá trị lịch sử. Hơn nữa lại nằm cạnh bên dòng sông Hương thơ mộng, hữu tình khiến cho nơi đây vừa cổ kính, uy nghi lại vừa bình yên, nên thơ.
Hiện nay, Kinh thành Huế đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Du khách khi đến đây tham quan ngoài được chiêm ngưỡng các di tích đã nhuốm màu thời gian thì còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc ta thông qua các hiện vật còn lưu giữ.
Kinh thành Huế nằm ở miền Trung Việt Nam nên khí hậu được chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa khô sẽ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 với nền nhiệt trung bình từ 35 – 40 độ C, trời oi bức và nóng nực. Còn mùa mưa xảy ra từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau với nhiệt độ có thể xuống dưới 10 độ C, trời lạnh và mưa nhiều, đôi khi có bão lụt.
Mùa xuân của Kinh thành Huế sẽ bắt đầu từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2 với thời tiết tương đối mát mẻ và trong lành, thích hợp cho các hoạt động vui chơi, tham quan ngắm cảnh. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 11 được xem là khoảng thời gian lí tưởng nhất để thăm thú Kinh thành Huế. Bởi vì lúc này, khí hậu khá ôn hòa, chưa lạnh và không quá nóng, hơn nữa lại mùa hoa nở nên sẽ làm cho chuyến đi của bạn thêm thú vị và tuyệt vời.
Hiện nay có rất nhiều cách để di chuyển đến Kinh thành Huế, mỗi cách sẽ có những ưu điểm riêng. Tùy theo sở thích, kinh phí cũng như là quỹ thời gian mà bạn sẽ chọn cho mình cách di chuyển phù hợp.
Kinh thành Huế nổi tiếng với hàng loạt các công trình kiến trúc đồ sộ, quy mô và mang vẻ đẹp nhuốm màu thời gian. Đến thăm mảnh đất này, khách du lịch hãy một lần ghé tham quan Hoàng thành, Tử Cấm Thành, Kỳ Đài,Trường Quốc tử Giám và Phố cổ Bao Vinh để cảm nhận được sâu sắc nét đẹp cổ kính, uy nghi nhưng không kém phần thơ mộng, hữu tình.
Hoàng Thành cùng với Tử Cấm Thành được gọi chung Đại Nội, có vị trí nằm giữa Kinh thành Huế. Đây là nơi thờ tự những vua chúa đã mất, đồng thời cũng là địa điểm đặt các cơ quan cao nhất của chế độ quân chủ ngày xưa.
Hoàng thành được xây dựng trong suốt 30 năm, là công trình có quy mô to lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Nơi này bao gồm hơn 100 công trình kiến trúc về miếu thờ, đền đài, cung điện. Trong đó, nổi bật nhất là Ngọ Môn, Điện Thái Hoà, Lầu Ngũ Phụng, Cung Diên Thọ và Tử Cấm Thành.
Ngọ Môn là cửa vào chính của Hoàn Thành, nằm ở phía nam Kinh thành Huế. Đây được xem là một tổng thể kiến trúc đồ sộ, nguy nga nhưng lại khá phức tạp. Nếu nhìn từ xa vào, nơi này giống như một toà lâu đài lộng lẫy, tráng lệ nhưng cũng vô cùng hoà hợp, gần gũi với thiên nhiên. Để bất cứ ai khi đến thăm Ngọ Môn đều cảm nhận được sâu sắc tâm hồn và tình cảm của những con người xứ Huế.
Điện Thái Hoà là công trình mang tính biểu trưng cho quyền lực của Hoàng triều Nguyễn thời bấy giờ. Đây từng là địa điểm đăng cơ của vua nhà Nguyễn và là nơi diễn ra các buổi triều nghi quan trọng.
Điện Thái Hoà có tổng diện tích là 1360m2, được xây dựng theo lối kiến trúc trùng thiềm điệp ốc với kiểu mái chồng diêm và mái điện lợp loại ngói hoàng lưu ly. Trong cung điện có 80 cây cột gỗ liêm sơn thếp có hình rồng vờn mây chống đỡ. Tất cả khi kết hợp với nhau làm nên một Điện Thái Hoà uy nghi bề thế.
Lầu Ngũ Phụng là một tổ hợp kiến trúc gồm có 9 căn lầu ghép nối liền mạch với nhau. Mỗi lầu đều được thiết kế và xây dựng theo phong cách thanh nhã và độc đáo. Trong đó, phần mái được lợp bằng ngói ống màu xanh và vàng, nền nhà được xây chắc chắn bằng đá thanh và gạch vồ, bên trên lát gạch hoa xi măng theo kiểu Pháp.
Đặc biệt, bộ khung của Lầu Ngũ Phụng được làm bằng 100 cây cột gỗ lim sơn son thiếp vàng, vừa tạo độ vững chãi cho lầu vừa giúp nổi bật lên sự uy quyền, xa hoa của hoàng cung thời ấy. Nếu có dịp đến tham quan, bạn hãy tranh thủ khám phá hết mọi ngóc ngách ở đây để có thể chiêm ngưỡng được trọn vẹn vẻ đẹp của một trong những công trình kiến trúc xuất sắc nhất Kinh thành Huế.
Cung Diên Thọ là một trong những cung điện tiêu biểu của Hoàng thành Huế, được xây dựng tại vùng đất phía tây của Tử Cấm Thành với phía bắc là Điện Phụng Tiên và phía nam là Cung Trường Sanh. Tương truyền, đây là nơi mà trước kia thái hoàng thái hậu và hoàng thái hậu triều Nguyễn sinh sống.
Cung Diên Thọ có quy mô lớn, bên trong gồm nhiều công tình kiến trúc độc đáo và đồ sộ, khiến ai khi ghé thăm đều trầm trồ, khen ngợi. Trải qua không ít thăng trầm lịch sử, nơi này đã có những thay đổi nhất định – một số công trình được xây mới hoặc phá huỷ đi, nhưng may mắn nó vẫn còn giữ nguyên được nét uy nghi và cổ kính ban đầu.
Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng, nằm trong lòng Hoàng thành, thuộc Kinh thành Huế. Nơi đây được xây dựng vào năm 1804 với mục đích làm chỗ sinh hoạt cho Hoàng triều nhà Nguyễn nói chung và vua Nguyễn nói riêng.
Theo các tài liệu ghi chép lại, trong Tử Cấm Thành có 7 cửa ra vào và khoảng 50 công trình kiến trúc có quy mô lớn nhỏ khác nhau, được chia thành nhiều khu vực. Trong đó, tiêu biểu nhất là Duyệt Thị Đường, Thái Bình Lâu, Tả Vu và Hữu Vu.
Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm 1826, là nhà hát cổ nhất của Việt Nam. Vào thời nhà Nguyễn, nơi đây chính là địa điểm biểu diễn các tuồng cổ cung đình để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của vua chúa, quan đại thần, hoàng thân quốc thích, sứ giả,…
Trong những năm gần đây, Duyệt Thị Đường chính là một trong những điểm đến được yêu thích nhất Kinh thành Huế. Du khách khi đến đây tham quan, ngoài được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, cổ kính của nhà hát thì còn được thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế – một nét đặc trưng không thể thiếu của vùng đất này.
Thái Bình Lâu là một tòa nhà gỗ hai tầng, nằm giữa khuôn viên hình chữ nhật, xung quanh có hồ nước và cây xanh, nhìn rất thơ mộng và hữu tình. Nơi đây được xây dựng vào 1919 – 1921 để làm chỗ đọc sách và nghỉ ngơi cho nhà vua vào những lúc rảnh rỗi. Trải qua một đoạn thời gian dài, Thái Bình Lâu không những không mất đi những vẻ đẹp vốn có mà còn giữ được cho mình hơi thở riêng và trở nên độc đáo hơn, thu hút được đông đảo khách du lịch ghé thăm.
Tả Vu và Hữu Vu được chính thức xây dựng vào năm 1819 ở bên trái Điện Càn Chánh, nằm trong Tử Cấm Thành, thuộc Kinh Thành Huế. Đây là chỗ làm việc của Cơ mật viện, chỗ chuẩn bị nghi thức trước khi bắt đầu thiết chiều, chỗ tổ chức yến tiệc và thi đình.
Nơi này đã trải qua nhiều đợt tu sửa nên đã có sự ảnh hưởng ít nhiều từ phong cách kiến trúc Châu Âu với sàn lát gạch hoa và trần nhà xây bằng bê tông. Nhưng không vì vậy mà Tả Vu và Hữu Vu đánh mất sức hút vốn có của mình, nó chỉ làm cho công trình này thêm độc đáo và mới lạ hơn.
Kỳ Đài nằm trong khu vực pháo đài Nam Chánh, chính giữa mặt phía nam của Kinh thành Huế. Tổng thể Kỳ Đài khá lớn, bao gồm cột cờ và đài cờ. Trong đó, đài cờ được xây bằng gạch với 3 tầng trông như 3 tháp cụt nằm chồng lên nhau.
Kỳ Đài được xem là biểu tượng đặc trưng của vùng đất cố đô Huế. Du khách thường xuyên chọn nơi đây làm địa điểm tham quan và chụp hình để vừa lưu giữ làm kỉ niệm, vừa thể hiện được niềm tự hào về lịch sử rực rỡ của dân tộc ta.
Trường Quốc Tử Giám được xây dựng tại Kinh thành Huế vào tháng 8/1803 với tên gọi ban đầu là Quốc Học Đường. Đây là di tích duy nhất về trường Đại học thời phong kiến còn sót lại tại Việt Nam.
Nơi này đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử giáo dục và thi cử ở nước ta khi đã từng đào tạo và sản sinh ra nhiều nhân tài cho triều Nguyễn thời bấy giờ. Hiện nay, Trường Quốc Tử Giám đã chuyển thành Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế – nơi lưu giữ những hiện vật quý giá của cố đô Huế qua các thời kì.
Phố cổ Bao Vinh từng là nơi giao thương sầm uất bật nhất của Kinh thành Huế vào đầu thế kỉ XVII. Hầu hết các thương thuyền từ Ma Cao, Trung Quốc và các nước Châu Âu đều đến đây mua bán, trao đổi hàng hóa, khiến cho không khí lúc nào cũng nhộn nhịp, sôi động.
Phố cổ Bao Vinh có kiểu kiến trúc điển hình là những ngôi nhà riềng cổ theo kiểu phố chợ với cấu trúc 2 tầng, sườn gỗ và mái ngói thấp. Dãy nhà bên sông được thiết kế theo kiểu của nhà cổ tứ giác, có mặt quay ra bờ sông.
Hiện nay, nơi này chỉ còn lại khoảng 15 ngôi nhà cổ đang nằm rải rác, xen kẽ với những ngôi nhà hiện đại. Nhưng không vì vậy mà Phố cổ Bao Vinh đánh mất đi vẻ đẹp hoài cổ, bình dị và nên thơ vốn có. Khách du lịch khi đến đây sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp như cổ tích của các dãy nhà xưa cũ đang nằm nép mình bên dòng sông Hương thơ mộng, êm đềm. Để rồi đâu đó trong trái tim và tâm trí luôn thổn thức về một vẻ đẹp tồn tại mãi theo năm tháng.
Kinh thành Huế nói riêng và Huế nói chung có nền ẩm thực độc đáo và đa dạng. Du khách đến đây có thể thưởng thức được nhiều món ăn ngon với mức giá vô cùng hợp lý. Từ đơn giản, dân dã đến cầu kì sang trọng, mỗi món ăn ở đây đều sở hữu một mùi vị riêng, hấp dẫn thực khách bốn phương.
Đến với Kinh thành Huế mà chưa thưởng thức qua bún bò thì quả là một sự thiếu xót. Đây là một món ăn rất nổi tiếng ở vùng đất cố đô, được đông đảo khách du lịch lựa chọn mỗi khi ghé thăm.
Khác với những nơi khác, bún bò ở Huế mang một hương vị riêng với nước dùng trong và đậm đà hơn. Sợi bún dai mềm, ăn kèm với rau sống, gân – nạm – giò của bò và chả cua thơm lừng. Cho một miếng vào miệng là bao giác quan được đánh thức dậy, thật sự ngon khó cưỡng.
Cơm hến có mặt ở hầu hết các hàng quán, nhà hàng ở Huế. Đây là một món ăn dân dã nhưng lại rất thơm ngon. Nếu có dịp đến tham quan vùng đất này, bạn nhất định phải thử qua.
Cơm hến được chế biến từ những hạt gạo trắng mướt đem nấu chín để nguội. Hến sau khi làm sạch thì đem đi xào qua, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Mỗi khi có thực khách ghé vào, từng đĩa cơm hến hấp dẫn sẽ được mang ra ăn kèm với nước dùng của hến, hương vị ngon tuyệt!
Bánh ép là một món ăn lạ miệng, được làm từ các nguyên liệu đơn giản như : bột lọc, trứng, thịt heo, hành lá,… Thường được dùng kèm với dưa leo, đu đủ giòn giòn, rau răm và nước chấm chua ngọt đặc biệt.
Bánh ép có thể ăn dẻo hoặc giòn tùy theo khẩu vị của thực khách. Bạn có thể nói cho người thợ chế biến mong muốn của mình để thưởng thức được một chiếc bánh đúng sở thích và ngon đúng điệu.
Nhắc đến ẩm thực Huế thì không thể không kể đến bánh bèo. Đây là món ăn khá đặc biệt bởi vì chúng được đặt trong những chén nhỏ, bên trên là sắc cam của hành phi và tôm, pha lẫn với chút vàng của tóp mỡ và xanh của mỡ hành. Chỉ cần nhìn thôi là đã muốn lao vào ăn ngay lập tức.
Khi thưởng thức bánh bèo, thực khách sẽ cho nước mắm chua ngọt lên bên trên. Sau đó dùng muỗng lấy từng phần bánh bèo cho vào miệng và nhai một cách từ từ để cảm nhận được hết sự tuyệt vời từ món ăn thần thánh này.
Bánh khoái ở Huế được chế biến tương tự như bánh xèo của người Nam Bộ nhưng sẽ khác nhau về hình dạng. Tại đây, các đầu bếp sẽ làm bánh khoái theo khuôn đổ hình tròn, cho nhân là giá sống, tôm, lòng đỏ trứng gà, giò sống vo viên,… lên trên. Sau đó chiên cho thật vàng và giòn thì đem ra.
Món bánh khoái sẽ được ăn kèm với rau sống và một loại nước chấm đặc biệt được làm từ 10 loại gia vị khác nhau. Tất cả như hòa quyện trên đầu lưỡi với đủ những hương vị ngọt, the, bùi, chua, béo,… khiến cho bất cứ ai đã thưởng thức qua rồi đều nhớ mãi không quên.
Bánh ướt heo quay rất nổi tiếng ở vùng đất cố đô, là món ăn được nhiều du khách lựa chọn mỗi dịp ghé thăm Kinh thành Huế.
Bánh ướt được làm từ bột gạo, bột mì và bột năng nên sẽ đạt được độ dai, mềm hoàn hảo nhất. Khi ăn cùng với heo quay giòn ngọt, rau sống tươi xanh, dưa giá muối chua, hành phi thơm ngậy và nước mắm chanh tỏi ớt thơm phức thì còn gì tuyệt vời hơn.
Chè bột lọc heo quay là một món ăn vô cùng độc đáo của người xứ Huế. Bất cứ ai khi đã thưởng thức qua đều chẳng thể nào quên mùi vị thơm ngon, hấp dẫn của món chè này.
Chè bột lọc heo quay có vỏ bọc bên ngoài là lớp bột dẻo và dai, còn phần nhân bên trong là heo quay được rim mằn mặn với mộc nhĩ. Mỗi ly chè đều sẽ được ăn kèm với đá và nước lá dứa thơm lừng, chỉ cần cho vào miệng một ngụm là đã cảm thấy sảng khoái vô cùng.
Để chuyến tham quan Kinh thành Huế được diễn ra trọn vẹn và thú vị nhất thì bạn cần lưu ý những điều sau đây :
Kinh thành Huế dù trước đây hay bây giờ vẫn luôn mang trong mình vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc và nên thơ, không hề trộn lẫn với bất kì nơi đâu. Nếu có thời gian, bạn hãy cùng bạn bè, người thân và gia đình làm một chuyển tham quan đến vùng đất cố đô này để cảm nhận được hết sự tuyệt vời và thú vị mà không có hình ảnh hay sách báo nào diễn tả được hết.
Nền tảng du lịch số 1 Việt Nam
Website hoạt động trong lĩnh vực du lịch với chủ đề chính truyền tải những thông tin về các địa điểm du lịch của Việt Nam, những kiến thức giúp bạn đọc hiểu được hơn về các vùng miền trên toàn quốc.
2Trip có một định hướng lối đi rõ ràng, là cầu nối giữa người cung cấp dịch vụ du lịch và khách hàng trải nghiệm du lịch