Bãi đá cổ Nấm Dẩn là một di sản cấp Quốc Gia của Hà Giang. Nơi đây còn ẩn chứa nhiều bí ẩn về văn hóa và lịch sử chưa được giải mã. Cùng 2trip khám phá ngay bãi đá này có gì đặc biệt và những điều kỳ thú xung quanh bãi đá này nhé.
Hà Giang nơi được biết đến với những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và có rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Ít ai biết rằng, ở Hà Giang có một bãi đã cổ với niên đại hàng nghìn năm. Tuy không có quy mô lớn và được nhiều người biết đến như bãi đá cổ Sa Pa, bãi đá cổ Nấm Dẩn vẫn có rất nhiều điều bí ẩn và kỳ thú chờ được giải mã.
Bãi đá cổ Nấm Dẩn tọa lạc trên thung lũng Nùng Ma Lù thuộc xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần. Vì thế người dân địa phương còn thường gọi với tên khác là bãi đá cổ Xín Mần. Vào năm 2004, bãi đá cổ được phát hiện bởi các nhà khoa học Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Giang. Đến năm 2006, 2007 người ta lại phát hiện thêm một số di tích đá cổ khác cũng trên địa bàn xã Nấm Dẩn.
Bãi đã bao gồm nhiều tảng đá lớn, nhỏ với các hình thù và kích cỡ khác nhau. Trên các tảng đá đều được khắc những hình thù kỳ lạ. Hiện nay vẫn chưa có ai biết được nguồn gốc của bãi đá và hiểu được ý nghĩa chính xác của những hình thù trên các phiến đá này. Năm 2008, bãi đá đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp Quốc gia Việt Nam.
Các phiến đá nằm dải rác trên cánh đồng của thung lũng Nùng Ma Lù, ngay cạnh dòng suối Nậm Khoòng. Vì vậy đường đi khu vực bãi đá đều là đường ruộng và lối mòn nhỏ, khá ghồ ghề. Để khám phá bãi đá thuận lợi và an toàn, bạn cần lựa chọn thời điểm thích hợp.
Từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm là thời điểm thích hợp nhất để đến khám phá bãi đá cổ Nấm Dần. Đây là lúc Hà Giang đang bước vào mùa khô, vì vậy đường đi khô ráo và dễ dàng di chuyển. Ngoài ra, đây cũng là lúc cảnh sắc của thung lũng này vào mùa đẹp nhất. Khoảng tháng 11,12 là mùa hoa tam giác mạch nở rộ, đến đầu xuân nơi đây lại được phủ trắng bởi sắc hoa mận rừng tuyệt đẹp.
Ngược lại, từ tháng 6 đến tháng 8 là thờ điểm bạn nên cân nhắc việc đến đây. Khoảng thời gian này là lúc Hà Giang đang bước vào cao điểm của mùa mưa, vì thế nên đường đi sẽ trơn trợt, gây khó khăn và có nhiều nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình di chuyển.
Từ trung tâm thành phố Hà Giang có 2 cung đường chính để đến bãi đá cổ Nấm Dẩn. Cung đường 2 tuy dài hơn cung đường 1, tuy nhiên con đường này lại dễ dàng di chuyển hơn, phù hợp với cả phương tiện là ô tô hoặc xe máy. Cung đường 1 có khá nhiều khúc cua, thích hợp với những phượt thủ di chuyển bằng xe máy.
Cung đường số 1: (126km – thời gian di chuyển khoảng 3 giờ 45 phút). Từ trung tâm thành phố Hà Giang đi theo QL2 về đến Yên Bình. Từ Yên Bình tiếp tục đi dọc theo DT178 đến Đèo Gió. Từ Đèo Gió bạn di chuyển thêm khoảng 15km là đến bãi đá cổ Nấm Dẩn.
Cung đường số 2: (131km – thời gian di chuyển khoảng 4 giờ 40 phút). Từ thành phố gtrung tâm thành phố Hà Giang, bạn đi theo đường 197C đến thị trấn Vinh Quang. Từ đây đi tiếp theo DT177 đến trung tâm xã Nấm Dẩn. Sau đó từ trung tâm xã đi thêm khoảng 1,7km là đến bãi đá cổ Nấm Dẩn.
Tại khu vực trung tâm thành phố có khá nhiều cơ sở thuê xe máy Hà Giang tự lái với mức giá dao động từ 130.000đ – 200.000đ/ ngày thuê. Trước khi khởi hành, bạn cũng nên kiểm tra kỹ phương tiện của mình, đặc biệt là các vấn đề về phanh, xăm xe.
Di tích bãi đá cổ Nấm Dần gồm rất nhiều các tảng đá nằm rải rác trong khu vực thung lũng, tập nhung nhiều ở dọc bờ suối Nậm Khòong. Những tảng đá với hình thù đa dạng và độc đáo, có tảng đá như chiếc ghế ngồi, có tảng lại giống một bàn cờ phẳng hay một tấm phản nằm.
Trong đó, nổi bật nhất là 7 phiến đá lớn và 2 di tích cự thạch (phiến đá cực lớn) với niên đại từ 1000 đến 2000 năm, được xác định là do người tiền sử để lại. Trên các phiến đá và di tích cự thạch đều có những hình vẽ và chi tiết kỳ lạ mà đến nay các nhà khảo cổ học vẫn chưa giải thích được.
Di tích cự thạch thứ nhất là một tấm đá lớn có bề mặt phẳng và hình dáng hài hòa, giống như một tấm phản nằm. Phiến đá dày từ 0,35 m đến 0,40 m, dài từ 2,3 m đến 2,4 m, rộng từ 1 m đến 1,1 m. Trên bề mặt và các rìa cạnh của phiến đá còn giữ nguyên trạng thái phong hóa tự nhiên và không có sự gia công nhân tạo tác động.
Di tích cự thạch thứ hai nằm khá gần di tích thứ nhất, khoảng 70 m về phía Tây. Phiến đá này có hình dáng giống như một mai rùa với bề mặt bóng, nhẵn. Loại hình di tích này được gọi là Dolmel, một trong những loại hình của văn hóa cự thạch (Megalithic culture). Các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học cho rằng di tích cự thạch có niên đại khoảng 2.000 năm và rất hiếm có ở Việt Nam.
Bên cạnh 2 di tích cự này này, tại xã Nấm Dẩn còn có nhiều phiến đá với hình thù đặc biệt. Trong đó phải kể đến hai phiến đá xếp kề nhau trông giống như một chiếc ghế đá tự nhiên. Các nhà khảo cổ cho rằng, có thể 2 phiến đá này đã được người cổ sắp xếp các vị trí có chủ đích để tạo nên hình thù độc đáo như vậy.
Cách khu di tích cự thạch khoảng gần 500 m là khu bãi đá có hình vẽ chạm khắc cổ ở thôn Nấm Dẩn. Các hình vẽ chủ yếu là cá ký tự hình học, nét chữ và hoa văn. Nằm trong khu vực ruộng canh tác của bản làng người Mông, nên người dân gọi đây là “Nà Lai”, có nghĩa là “ruộng nhiều chữ “.
Đây là nơi có những tảng đá được chạm khắc nhiều hình vẽ nhất trong xã Nấm Dẩn, với tổng số 79 hình. Theo thống kê, trong đó có 40 hình tròn, 2 hình chữ nhật, 1 hình vuông, 6 hình hồi văn hình vuông, 2 hình hồi văn hình tròn, 6 hình vạch khắc song song, 5 hình biểu tượng sinh thực khí nữ và nhiều hình thù kỳ lạ khác.
Các nhà khảo cổ còn phát hiện ra các hình bàn chân người được khắc lõm sâu vào đá với kích thước tương đương kích cỡ thật. Bên cạnh đó còn có một số hình khắc kỳ lạ trong giống như người trong tư thế giơ hai tay, dang hai chân… Ngoài ra, trên các phiến đá còn có khoảng 80 lỗ vũm với đường kính trung bình từ 5 đến 6 cm được khoét sâu vào đá.
Theo những chia sẻ từ các già làng tại Nấm Dẩn, từ xa xưa tổ tiên người Nùng nơi đây đã có tục thờ đá. Người xưa quan niệm, giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ. Đá là một phần không thể thiếu trong đời sống lao động và sinh hoạt văn hóa, tinh thần của con người. Người Nùng hiện nay vẫn còn mộ số lễ tế, thờ cúng liên quan tới Thần Đá.
Theo quan niệm xưa, đá cũng được coi là một sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người. Thậm chí, đá còn có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người. Người xưa khi chưa biết làm nhà ở thì họ đã biết coi các hang đá là nơi trú ngụ và chốn ăn ở của mình. Khi mất đi, họ được chôn chất trong những quan tài đá hoặc ngôi mộ đắp bằng đá.
Chính bởi phong tục thờ đá và những tín ngưỡng về đá, nên người dân nơi đây không có ai dám xâm phậm tới những phiến đá cổ kia. Cùng với đó họ cũng truyền tai nhau rằng khu bãi đá cổ chính là cất giữ những bí mật “thiên cơ bất khả lộ” của các vị thần thánh khi xưa và những hình vẽ trên các tảng đá được coi “thiên tự”.
Xem thêm: Thác Tiên Đèo Gió Hà Giang | Vẻ Đẹp Dịu Dàng Bên Đèo Gió
Sau khi được phát hiện vào năm 2004, đã có nhiều đoàn khảo cổ đến đây để tìm kiếm, nghiên cứu và giải mã bãi đá cổ bí ẩn này. Dựa vào các hoa văn được khắc trên đá, hầu hết các nhà khảo cổ cho rằng, mỗi hình vẽ đều mang một ý nghĩa về các tập tục văn hóa xa xưa.
Các nhà khảo cổ và chuyên gia nghiên cứu cũng chỉ đưa ra nhận định những hoa văn trên các phiến đá ở xã Nấm Dẩn thuộc nghệ thuật tạo hình thời Tiền – Sơ sử. Với những ký tự khắc sâu trên đá, phải được đục bằng các dụng cụ kim loại. Bên cạnh đó thì các ký tự hình tròn lớn có lẽ đã được phác họa từ trước.
Ngoài ra, ở Xín Mần cũng có nghệ thuật đục khắc đá từ cổ xưa, nhưng chưa xác định chính xác niên đại có trùng khớp với niên đại các di tích cự thạch ở bãi đã cổ hay không. Với những dữ liệu lịch sử trên, đặc biệt là về các ký tự liên quan đến tục thờ Thần Đá, nên nhiều nhà khảo cổ phỏng đoán rằng tổ tiên người Nùng xưa chính là chủ nhân của bãi đá cổ Nấm Dẩn.
Bên cạnh đó thì nhiều nhà khảo cổ cũng có ý kiến cho rằng, đây có thể là khu đất thiêng, thờ cúng thần linh, tổ tiên và các nhân vật lỗi lạc của cộng đồng dân cư hoặc là di tích mộ cổ của một vị thủ lĩnh tộc người khi xưa. Tuy nhiên tất cả những suy luận đều chỉ mang tính phỏng đoán, chủ nhân thực sự của bãi đá này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Bãi đá cổ Nấm Dẩn là nơi chứa đựng nhiều giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng và giá trị nghiên cứu khoa học cao. Với những bí ẩn còn chưa được giải mã và các yếu tố về lịch sử, nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Nếu được tập trung phát triển, đây chắc chắn sẽ trở thành một địa điểm tham quan rất thú vị, hấp dẫn du khách.
Trên đây là một số thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được về bãi đá cổ Nấm Dẩn, nơi còn chứa đựng nhiều bí ẩn của lịch sử. Đây chắc chắn sẽ là một điểm đến hứa hẹn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm lý thú trong chuyến hành trình khám phá Hà Giang của bạn. Chúc bạn có những chuyến đi vui vẻ và đáng nhớ bên cạnh những người thân yêu của mình.
Nguồn tài liệu tham khảo
Có thể bạn quan tâm
Nền tảng du lịch số 1 Việt Nam
Website hoạt động trong lĩnh vực du lịch với chủ đề chính truyền tải những thông tin về các địa điểm du lịch của Việt Nam, những kiến thức giúp bạn đọc hiểu được hơn về các vùng miền trên toàn quốc.
2Trip có một định hướng lối đi rõ ràng, là cầu nối giữa người cung cấp dịch vụ du lịch và khách hàng trải nghiệm du lịch