Hà Tiên Kiên Giang được ví như “thiên đường chốn hạ giới” khi mang trong mình vẻ đẹp vừa khoáng đạt vừa nên thơ. Đến với mảnh đất miền Tây này, bạn không chỉ được thưởng thức phong cảnh thiên nhiên thơ mộng hữu tình mà còn được thưởng ngoạn các hoang động rộng lớn độc đáo, thăm viếng nhiều ngôi chùa, lăng tẩm uy nghi, cổ kính.
Hà Tiên là thành phố nằm phía tây bắc của tỉnh Kiên Giang, Việt Nam. Nơi đây cách trung tâm thành phố Rạch Giá khoảng 88 km và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 350 km.
Về vị trí, Hà Tiên có phía đông giáp với huyện Giang Thành, phía tây giáp Vịnh Thái Lan, phía nam giáp với huyện Kiên Lương và phía bắc giáp với Vương quốc Campuchia.
Về địa hình, Hà Tiên Kiên Giang là một dải đất hẹp nằm ở ven biển, gồm có đồng bằng, vũng, vịnh, hải đảo, núi, hang động, sông,… Mỗi địa hình đều có sự độc đáo và những nét đẹp riêng, khi kết hợp với nhau tạo thành nhiều cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch ghé thăm.
Hà Tiên Kiên Giang nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Cụ thể:
Ngày nay, việc di chuyển đến Hà Tiên Kiên Giang không còn khó khăn như trước nữa. Từ Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Lạt hay bất cứ đâu đều có thể dễ dàng đến thăm vùng đất hiền hòa, xinh đẹp này.
Nếu di chuyển bằng máy bay, bạn có thể sẽ gặp một chút hạn chế vì mỗi ngày chỉ có duy nhất một chuyến bay từ Sài Gòn đến Kiên Giang – khiến bạn khó chủ động trong lịch trình. Sau khi đến sân bay Rạch Giá, bạn sẽ bắt xe đi Hà Tiên Kiên Giang, nên hỏi kĩ về chi phí để tránh phát sinh các khoản tiền không mong muốn.
Di chuyển bằng xe khách sẽ tương đối thuận lợi hơn, phù hợp với cả các bạn miền Bắc và miền Trung. Đoạn đường từ Sài Gòn đến Hà Tiên sẽ dài khoảng 350km, mất 6 – 8 tiếng ngồi xe. Những bạn ở tỉnh thành khác có thể bắt xe tới Sài Gòn rồi đi xe khách đến Hà Tiên Kiên Giang sẽ dễ dàng hơn. Một số hãng xe uy tín là: Phương Trang, Kumho, Mai Linh,…
Ngoài ra, di chuyển bằng tàu hỏa hay xe máy cũng là một lựa chọn tuyệt vời để đến Hà Tiên Kiên Giang. Nếu bạn muốn có thời gian nghỉ ngơi và ngắm cảnh dọc đường thì có thể chọn đi tàu hỏa. Nếu muốn tiết kiệm chi phí và thưởng ngoạn đất trời suốt chuyến hành trình thì hãy chọn xe máy.
Bãi tắm Mũi Nai, Bãi Bàng, Núi Đèn, Núi Đá Dựng, Núi Tô Châu, Đầm Đông Hồ, Thạch Động, Chùa Phù Dung, Chùa Lò Gạch, Chùa Xà Xía, Lăng Mạc Cửu,… là những địa điểm bạn không nên bỏ lỡ khi du lịch Hà Tiên Kiên Giang.
Bãi tắm Mũi Nai hay còn được gọi là Bãi tắm Lộc Trĩ, nằm ở ven bờ Vịnh Thái Lan, thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Nơi đây cách trung tâm khoảng 5 km, đường đi tương đối dễ nên khá thuận tiện cho du khách ghé tham quan, tắm biển.
Bãi tắm Mũi Nai chia ra làm hai khu vực, đó là Bãi Bằng và Bãi Nô. Mỗi bãi biển đều sở hữu một vẻ đẹp và một nét cuốn hút riêng. Nếu như Bãi Bằng gây ấn tượng với du khách bằng các triền cát nằm thoai thoải đẹp mắt thì Bãi Nô lại chiếm tình cảm khách ghé thăm bằng hình ảnh bình yên từ xóm chài nhỏ nhộn nhịp, đông vui.
Bãi tắm Mũi Nai đẹp nhất là thời khắc hoàng hôn. Khi những vạc nắng cuối ngày dần tắt, mặt trời cũng trốn dần sau ngọn núi thì khung cảnh nơi đây trở nên vô cùng ấm áp và lộng lẫy. Bạn có thể cùng người yêu hoặc gia đình đi dạo dọc bãi biển vào thời điểm này để cảm nhận sự tuyệt vời và hạnh phúc mà vùng biển này mang lại.
Bãi Bàng đã có ở Hà Tiên Kiên Giang từ khá lâu, nhưng do nằm ở vị trí không thuận lợi nên nơi đây rất ít người biết đến. Chỉ khi một vài du khách vô tình đặt chân lên đây, thấy được vẻ đẹp hoang sơ, hữu tình và về chia sẻ lại thì Bãi Bàng mới được đông đảo khách du lịch ghé thăm.
Bãi Bàng nằm cách trung tâm thành phố Hà Tiên khoảng 6 km, cạnh bên bãi trước của Mũi Nai. Đây là bãi biển rất sạch, có bờ cát trải dài và những hàng cây rợp bóng mát. Đem đến cho nơi đây bầu không khí thoáng đãng, trong lành và mát mẻ.
Nếu có dịp đến Hà Tiên Kiên Giang, bạn hãy dành chút thời gian ghé thăm bãi biển thanh bình này. Chắn chắn rằng, Bãi Bàng và con người nơi đây sẽ luôn tiếp đón bạn một cách nồng hậu và vui vẻ nhất.
Núi Đèn còn có tên gọi khác là Núi Đèn Gọi, nằm ở tỉnh lộ 28, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Nơi đây gồm có hai ngọn núi nằm kế bên nhau là Núi Đèn Lớn và Núi Đèn Nhỏ.
Núi Đèn thu hút khách du lịch gần xa bởi khung cảnh thiên nhiên thơ mộng hữu tình. Đến đây ta có thể chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp giữa đời thực với đường bờ biển trải dài vô tận, núi non sừng sững, hùng vĩ.
Bên cạnh đó, Núi Đèn còn có một khu du lịch sinh thái với các dịch vụ cao cấp đạt tiêu chuẩn 3 sao. Sau khi vui chơi Hà Tiên Kiên Giang thỏa thích thì bạn có thể cùng gia đình đến đây để nghỉ dưỡng, tận hưởng những điều tuyệt vời nhất.
Núi Đá Dựng cao khoảng 100m, nằm trên một vùng đất thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đây một trong những di tích lịch sử, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Tiên Kiên Giang.
Núi Đá Dựng sở hữu vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ. Xung quanh núi được bao bọc bởi những bụi rậm, đầm lầy và cánh đồng lúa. Bên trong gồm có 14 hang động với kích thước lớn nhỏ khác nhau, chúng nối liền mạch và tạo thành các “mê cung” bí hiểm, kích thích sự tò mò của du khách khi ghé thăm.
Đến với Núi Đá Dựng, bạn không chỉ được thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ hay khám phá những hang động kì ảo mà còn được biết thêm nhiều câu chuyện lịch sử lí thú của dân tộc ta.
Núi Tô Châu nằm ở phía tây Đầm Đông Hồ, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tổng thể gồm có hai ngọn núi là Tiểu Tô Châu và Đại Tô Châu. Nếu leo lên trên đỉnh của hai ngọn núi này, bạn có thể ngắm được toàn cảnh Hà Tiên Kiên Giang với trời xanh, mây trắng, sông nước mênh mông, nhà cửa dập dìu nối đuôi nhau.
Núi Tô Châu không kỳ vĩ, hoang sơ như Núi Đá Dựng, không đẹp tựa tranh vẽ như Núi Bình Sạn mà lại mang nét khoáng đạt, gần gũi với thiên nhiên. Người ta say mê Núi Tô Châu bởi khi đến đây, họ tìm được cảm giác thư thái, dễ chịu và có thể quên đi mọi buồn phiền của cuộc sống.
Đầm Đông Hồ là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của Hà Tiên Kiên Giang. Đầm có diện tích hơn 1.300 ha, phía bên trái có dãy núi Tô Châu, còn bên phải là núi Ngũ Hổ. Núi sông hòa hợp với nhau tạo thành khung cảnh diễm lệ, lay động lòng người.
Ngoài ra, Đầm Đông Hồ còn sở hữu thảm động thực vật đa dạng, có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của người dân vùng đất này. Nơi đây có trên 25 loài cây rừng ngập mặn (ô rô tím, mấm biển, ráng đại, vẹt trụ, sú,…), nhiều loài chim (cò, diệc, vạc,…) và các loài thủy hải sản (cua, cá, tôm,…).
Thạch động nằm ở xã Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Nơi này cách trung tâm thành phố Hà Tiên khoảng 3km về phía tây bắc. Đứng từ đây bạn có thể phóng tầm mắt ra xa và nhìn thẳng về nước bạn – Campuchia.
Bên trong Thạch Động là hệ thống các hang động đá vôi với vô số hình thù kỳ thú, trông giống hình ảnh của công chúa Quỳnh Nga, chim đại bàng hay ông Tiên. Tất cả kết hợp hài hòa với ánh sáng tạo thành một khung cảnh huyền ảo, níu chân khách đến thăm.
Đặc biệt, Thạch Động còn là địa điểm gắn liền với câu chuyện cổ tích Thạch Sanh. Tương truyền, đây từng là nơi Thạch Sanh giết chết đại bàng cứu công chúa Quỳnh Nga. Ngày nay, đến tham quan bạn sẽ thấy một số vết tích gắn liền với câu chuyện đó.
Chùa Lò Gạch tọa lạc ở số 32, đường Mạc Cửu, phường Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Nơi này trước đây là một cái lò gạch bỏ hoang. Đến năm 1945, vị hòa thượng Thích Chí Hòa dừng chân ở đây và lập nên một ngôi chùa nhỏ làm bằng cây lá, lấy lò gạch cũ làm chánh điện tụng kinh bái sám. Từ đó, người dân địa phương gọi nơi đây với cái tên dân dã là Chùa Lò Gạch.
Trải qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, Chùa Lò Gạch hiện tại khá khang trang. Tuy không quy mô bề thế như các ngôi chùa khác nhưng nhờ nét kiến trúc thiền vị, không gian thanh tịnh, trang nghiêm mà nơi đây được người dân địa phương và du khách gần xa tin tưởng ghé thăm rất đông.
Chùa Phù Dung hay Chùa Phù Cừ là một trong những điểm du lịch hành hương nổi tiếng nhất của Hà Tiên Kiên Giang. Chùa nằm ở dưới chân Núi Bình San, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Chùa có diện tích không lớn nhưng khá rộng rãi và khang trang. Phần sân phía trước có một đài cao đặt tượng Phật Quan Thế Âm màu trắng. Nơi chánh điện là tượng Thích Ca Mâu Ni và hai đệ tử Ca Diếp – A nan. Ngoài ra, ở đây còn có bốn bức phù điêu lớn minh họa cho 4 cảnh trong cuộc đời của đức phật Thích Ca Mâu Ni là: Đản sanh, xuất gia, thuyết pháp, nhập niết bàn.
Chùa Xà Xía được xây dựng theo lối trúc độc đáo, mang đậm bản sắc của dân tộc Khmer. Phần mái chùa được tạo thành từ nhiều tháp nhọn chạm khắc tinh xảo. Cột chính, cột mái và vách đường cũng được chạm nổi tinh tế, khiến cho tổng thể ngôi chùa vừa uy nghi vừa sang trọng. Xung quanh chùa được bao bọc bởi nhiều cây xanh, làm cho quang cảnh trở nên trong lành và mát mẻ hơn.
Cảm giác đầu tiên bước vào Chùa Xà Xía là an yên và nhẹ nhàng, dường như mọi muộn phiền và lo toang của cuộc sống đều được gác qua một bên. Nếu một lúc nào đó bạn cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi, muốn tìm cho mình chút thoải mái và bình yên thì hãy đến nơi đây.
Lăng Mạc Cửu được xây dựng vào năm 1735 – 1739, gồm có hai phần là lăng lộ và đền thờ dòng họ Mạc. Đây là công trình kiến trúc độc đáo, có mặt tiền hướng về phía đông – nơi có Đầm Đông Hồ và Núi Tô Châu, phần lưng tựa vững chắc vào vách núi hình cung tạo thành khung cảnh vừa bình yên vừa trang nghiêm.
Trong Lăng Mạc Cửu có tổng cộng 45 ngôi mộ là cha con họ Mạc, các vị phu nhân và tướng lĩnh. Trong đó, ngôi mộ của Mạc Cửu lớn nhất, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Trung Hoa. Hai bên trái phải là hai vị tướng, xung quanh mộ có hai con rồng đang quấn vào nhau. Trước mộ đặt bức tượng Mạc Cửu tay cầm kiếm, mặc nhung phục vô cùng oai phong lẫm liệt.
Trong Đền thờ họ Mạc có hai 2 ao lớn chứa đầy sen đang nở, một khoảng sân rộng trồng nhiều cây xanh khiến cho không gian nơi này luôn trầm mặc và yên tĩnh. Thời điểm thích hợp nhất để đến đây là buổi sáng hoặc chiều mát, như vậy sẽ có thể thăm thú và thưởng ngoạn được nhiều nơi.
Hà Tiên Kiên Giang là nơi giao thoa của ba nền văn hóa: Kinh, Hoa và Khmer. Chính điều đó đã tạo cho vùng đất này một nền văn hóa đa dạng với những lễ hội đặc sắc hằng năm, thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm.
Lễ hội giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu diễn ra vào ngày 26 – 27 tháng 5 âm lịch hằng năm. Đây là một lễ hội lớn, gồm nhiều hoạt động độc đáo mang đậm nét văn hóa của vùng đât Hà Tiên Kiên Giang.
Lễ hội được chia ra làm 2 phần. Phần lễ được tổ chức tại đền thờ họ Mạc theo đúng thông lệ với lễ cúng và tế. Vào ngày 27/5 âm lịch, lễ thỉnh sắc sẽ diễn ra từ đền thờ họ Mạc đến chân núi Tô Châu – nơi đặt tượng đài Mạc Cửu. Trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến tiết mục Vua Minh Mạng sắc phong tước vị cho Mạc Cửu.
Phần hội sẽ có nhiều hoạt động thú vị hơn, đó là các trò chơi như bóng đá, điền kinh, cờ tướng, cầu lông,… với sự tham gia của đông đảo vận động viên. Bên cạnh đó còn có đoàn diễu hành xe hoa, hội chợ ẩm thực, chương trình biểu diễn văn nghệ rất hấp dẫn. Nếu đến ngay thời điểm này, chắc chắn du khách sẽ có những phút giây thật vui vẻ và thoải mái.
Lễ hội Kỳ Yên có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người dân Hà Tiên Kiên Giang. Lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân (sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa). Lúc đó, thời tiết đẹp và nhiều nắng nên sẽ thuận tiện cho việc đi lại của dân làng.
Lễ hội Kỳ Yên được diễn ra với những nghi thức truyền thống như: thi tìm hiểu danh lam thắng cảnh, trò chơi dân gian, hát bội,… Kết thúc lễ hội sẽ là nghi lễ “tống ôn” với mong muốn đẩy lùi những điều xui xẻo, điều xấu ra xa để bà con được may mắn, hưởng những điều tốt đẹp, mùa màn bội thu, kinh doanh phát lộc – phát tài.
Lễ hội Đôl-ta thường được tổ chức tại chùa vào khoảng thời gian từ 29/8 đến 1/9 âm lịch. Đây là lễ hội gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.
Lễ hội Đôl-ta diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm cầu phước lành và tưởng nhớ linh hồn của những bậc sinh thành. Thế nên dù có bận rộn như thế nào thì người Khmer vẫn dành thời gian tham gia lễ hội đặc biệt này.
Lễ hội tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 15 tháng giêng (âm lịch). Đây là lễ hội tôn vinh những thành quả lao động và sáng tạo trên các lĩnh vực như văn học nghệ thuật, văn hóa của các bậc tiền nhân.
Lễ hội tao đàn Chiêu Anh Các diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như: Triển lãm thư pháp, diễu hành xe đạp hoa, dâng hương đền thờ họ Mạc, giao lưu đờn ca tài tử, thả hoa đăng trên đầm Đông Hồ, trò chơi dân gian, thi đấu cờ tướng,….
Lễ hội Ok om bok được người Khmer tổ chức vào ngày 15/10 âm lịch (cuối mùa mưa) để tạ ơn Thần Mặt Trăng. Đối với họ, Thần Mặt Trăng là người đã giúp cho bà con có mùa màng bội thu, cuộc sống hạnh phúc hơn.
Trong lễ hội Ok om bok, người dân sẽ dâng lên Thần Mặt Trăng các lễ vật như: mía, cốm dẹp, chuối, khoai, dừa, đậu,… Sau đó, mọi người sẽ đứng chờ xung quanh sân ở chánh điện, đến khi mặt trăng lên tới đỉnh thì bắt đầu khấn vái đề tưởng nhớ công ơn thần đã giúp họ ấm no, thịnh vượng.
Ẩm thực Hà Tiên Kiên Giang mang hơi hướng dân giã, mộc mạc. Những món ăn ở đây thường được chế biến đơn giản nhằm giữ lại hương vị thơm ngon, tuyệt vời nhất từ nguyên liệu. Đến với vùng đất này, bạn có thể thưởng thức được rất nhiều món ăn độc đáo và hấp dẫn như: Cà Xỉu, ốc Giác, còi Biên Mai, bánh canh chả ghẹ, xôi xiêm, hủ tiếu hấp, bún kèn,…
Cà Xỉu sống chủ yếu ở khu vực nước lợ, cửa biển, sông đầm,… Đây là loài động vật biển có hình dáng tương tự như hải sản hai mảnh vỏ nhưng có thêm phần râu to và dài.
Cà Xỉu sau khi bắt về sẽ được người dân làm sạch rồi đem đi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: Cà Xỉu muối, gỏi Cà Xỉu, Cà Xỉu xào,… Hương vị thơm ngon kết hợp với phần thịt dai ngọt, ăn cùng cơm nóng thì thật sự quá tuyệt vời.
Còi Biên Mai chính là còi của loài sò Biên Mai. Đó là một loài sinh vật sống dưới biển, to bằng bàn tay, có hình tam giác và thường cắm sâu xuống dưới đáy.
Thịt sò Biên Mai nhão, ăn không ngon nên sau khi bắt về, người dân ở đây sẽ làm sạch sò và chỉ lấy phần còi để chế biến thành các món ăn như: nướng, xào chua ngọt, nấu lẩu,…
Mỗi món ăn từ Còi biên mai đều có hương vị độc đáo và hấp dẫn riêng. Tùy theo sở thích của mình mà thực khách có thể chọn một hay nhiều món ăn khác nhau.
Ốc Giác còn có tên gọi khác là Ốc Hoàng Đế. Loài ốc này có lớp vỏ bên ngoài lớn, bên trong nhiều thịt, phần ruột ốc và cùi đều ăn được. Người ta thường dùng Ốc Giác để nướng, luộc, xào tỏi,… rất thơm ngon và hấp dẫn.
Còn gì thú vị bằng việc ngồi cạnh bờ biển, kêu một đĩa ốc giác nóng hổi, vừa thưởng thức vừa trò chuyện với bạn bè, người thân. Cái cảm giác đó khiến chúng ta thấy trong lòng thư thái, bình yên và vui vẻ đến lạ thường.
Bánh canh chả ghẹ là món ăn yêu thích của nhiều người khi đến Hà Tiên Kiên Giang du lịch. Mặc dù có thể ăn ở bất cứ đâu nhưng khi thưởng thức tại mảnh đất này nó lại mang một hương vị đặc trưng rất riêng.
Nước dùng của bánh canh chả ghẹ được hầm từ xương, đầu cá thu và tôm khô nên ngọt vô cùng. Chả cá được làm từ thịt cá ảo và cá thu nên có độ dai mềm vừa ăn. Bánh canh được làm từ bột gạo xay nhuyễn nên rất thơm ngon. Thịt ghẹ được lấy từ những con ghẹ tươi hấp chín nên vẫn giữ được độ ngọt nước. Tất cả kết hợp hài hòa với nhau, tạo ra tô bánh canh chả ghẹ thơm lừng đến tay thực khách.
Xôi xiêm là một món ăn đặc sắc của người dân Hà Tiên Kiên Giang. Nếu có dịp đến đây, bạn có thể thử qua món ăn này để cảm nhận được hết sự tuyệt vời của nền ẩm thực xứ biển.
Xôi xiêm được làm khá đơn giản, không hề cầu kì như một số món ăn khác. Các đầu bếp sẽ dùng gạo nếp Thái Lan để nấu xôi vừa chín tới (không quá cứng cũng không quá dẻo). Phần nhân sẽ dùng trứng gà ta đánh nổi rồi ướp với đường thốt nốt. Do đó, món xôi xiêm hường có vị ngọt thơm, béo ngậy, ăn rất lạ miệng.
Hủ tiếu hấp nghe khá lạ tai nhưng lại là món ăn vô cùng hấp dẫn của xứ Hà Tiên Kiên Giang. Thành phần chính của nó là hủ tiếu hấp cách thủy, bì trộn thính, chả giò, thịt heo thái sợi, rau thơm, nước cốt dừa hoặc nước mắm chua ngọt.
Khi ăn hủ tiếu hấp, thực khách không chỉ cảm nhận được vị dai của hủ tiếu, vị ngọt của thịt, vị béo của nước cốt dừa, vị cay của gia vị, vị thanh của rau mà còn cảm nhận được chân tình của người dân xứ biển gửi trong từng món ăn.
Bún Kèn ở Hà Tiên Kiên Giang được chế biến khá cầu kì và công phu. Các đầu bếp sẽ sử dụng cá lẹp vàng, cá rựa hoặc cá nhồng để nấu chín lấy thịt. Một phần thịt cá sẽ được đem đi chà bông, phần còn lại sẽ xào chung với nghệ, sả và ớt, nêm nếm một chút gia vị cho vừa ăn.
Khi thực khách đến, các đầu bếp sẽ cho bún, đu đủ bào sợi, rau thơm, giá, cá xào và chà bông cá vào tô để phục vụ. Bún kèn thường sẽ được dùng kèm với nước mắm chua ngọt “chuẩn miền tây” để đậm đà và thơm ngon hơn.
Hà Tiên Kiên Giang dù ngày xưa hay bây giờ đều đẹp theo một cách rất riêng, chỉ cần một lần ghé qua là có thể say đắm cả đời. Nếu có dịp, bạn đừng quên cùng gia đình du ngoạn đến mảnh đất hiền hòa, bình dị này nhé!
Nền tảng du lịch số 1 Việt Nam
Website hoạt động trong lĩnh vực du lịch với chủ đề chính truyền tải những thông tin về các địa điểm du lịch của Việt Nam, những kiến thức giúp bạn đọc hiểu được hơn về các vùng miền trên toàn quốc.
2Trip có một định hướng lối đi rõ ràng, là cầu nối giữa người cung cấp dịch vụ du lịch và khách hàng trải nghiệm du lịch