Cẩm nang du lịch
2trip.vn

Những Trải Nghiệm Đáng Thử Nhất Khi Đến Làng Nghề Nước Mắm Nam Ô Đà Nẵng

Đà Nẵng 8:37 - 26/05/2023
4.9/5 - (30 bình chọn)

Làng nghề Nam Ô là ngôi làng truyền thống làm ra loại nước mắm Nam Ô đặc sản trứ danh của Đà Nẵng. Cùng 2trip khám phá ngay những điều thú vị về làng nghề nước mắm Nam Ô Đà Nẵng nhé.

Ngôi làng Nam Ô xinh đẹp bên bờ biển Đà Nẵng
Ngôi làng Nam Ô xinh đẹp bên bờ biển Đà Nẵng. (Nguồn: internet)

Giới thiệu về Làng nghề nước mắm Nam Ô Đà Nẵng

Tổng quan và cách di chuyển đến làng Nam Ô

Bạn sẽ có một trải nghiệm đáng nhớ nếu thêm vào danh sách khám phá những danh lam thắng cảnh Đà Nẵng cái tên làng nghề nước mắm Nam Ô. Đây là một làng chài cổ nằm ở cửa biển sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Làng Nam Ô cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 9km về phía Bắc. Để di chuyển đến làng có 2 con đường chính. Tuyến đi dọc theo quốc lộ 1A dễ dàng và tốn ít thời gian di chuyển và một tuyến là đường ven biển dành cho ai muốn ngắm cảnh biển Đà Nẵng. Chi tiết cách đi từng tuyến như sau:

Hai con đường chính đến làng Nam Ô từ trung tâm thành phố Đà Nẵng.
Hai con đường chính đến làng Nam Ô từ trung tâm thành phố Đà Nẵng. (Nguồn: google.com/maps)

Tuyến dọc quốc lộ 1A (quãng đường 8,6km): Từ bến xe Trung tâm thành phố, đi thẳng về phía Cao Sơn Thạch khoảng 100m là gặp ngã tư lớn. Tại ngã tư, rẽ trái vào đường Tôn Đức Thắng (quốc lộ 1A), đi thẳng theo theo quốc lộ 1A khoảng 8,2km nữa là đến làng Nam Ô.

Tuyến ven biển (quãng đường 10,2km): Xuất phát từ bến xe Trung tâm thành phố, đến ngã tư lớn rẽ phải vào đường Tôn Đức Thắng thẳng về hướng Thanh Khê khoảng 2km. Gặp vòng Xuyến Thanh Khê rẽ phải vào đường Trần Cao Vân. Đi thẳng khoảng 1,3km đến Thanh Khê Tây rồi rẽ phải là đến đường Nguyễn Tất Thành. Đi dọc đường Nguyễn Tất Thành khoảng 6.7km rồi rẽ phải vào quốc lộ 1A là đến.

Nên lựa chọn phương tiện nào để di khám phá Nam Ô?

Nam Ô có quốc lộ 1A chạy qua nên du khách có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện để đến làng. Có thể sử dụng xe máy, ô tô và xe buýt đều được. Nếu lựa chọn xe máy và ô tô để di chuyển, du khách có thể tham khảo đường đi như trên.

Nếu lựa chọn đến Nam Ô bằng xe buýt, có hai tuyến xe buýt để đi từ trung tâm thành phố đến Nam Ô là R16 và LK1. Tuyến LK1 là tuyến buýt chạy liên tỉnh từ Đà Nẵng đến Huế, xuất phát từ bến xe trung tâm, được khai thác chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu du lịch của du khách. Giá vé là 40.000đ/ lượt và tần suất là 15 phút/chuyến. Ngoài ra, có thể lựa chọn tuyến bus R16 của thành phố với giá rẻ hơn chỉ 5.000đ/ lượt.

Có thể sử dụng xe buýt đi từ trung tâm thành phố đến làng Nam Ô.
Có thể sử dụng xe buýt đi từ trung tâm thành phố đến làng Nam Ô. (Nguồn:vietnamfinance.vn)

Tuy nhiên để thuận tiện cho quá trình di chuyển, du khách nên sử dụng xe máy vì nhiều điểm tham quan ở Nam Ô nằm trong những con đường làng khá nhỏ và hẹp. Du khách có thể sử dụng dịch vụ thuê xe máy theo ngày tại các cơ sở cho thuê xe máy tự lái ở trung tâm thành phố và di chuyển đến làng. Mức giá thuê xe trung bình dao động từ 130.000đ – 180.000đ / xe tùy loại. Bạn nên sử dụng dịch vụ thuê xe tại các cơ sở uy tín để đảm bảo cho hành trình tốt nhất nhé.

Xem thêm: TOP 10 Địa Điểm Thuê Xe Máy Đà Nẵng Đánh Giá 5* Không Thể Bỏ Qua!

Làng nghề nước mắm Nam Ô – ngôi làng cổ hơn 700 tuổi

Nam Ô trước đây thuộc vùng châu Ô của vương quốc Champa. Vào khoảng đầu thế kỷ XIV, vua Champa lúc ấy là vua Chế Mân đã dâng vùng châu Ô và châu Lý cho Đại Việt để làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân nhà Trần. Từ đó vùng đất này trở thành cửa ô phía Nam của Đại Việt nên được gọi là Nam Ô.  Đến nay ngôi làng đã có tuổi đời hơn 700 năm tuổi, làng có truyền thống đánh bắt thủy hải sản, làm mắm và làm pháo.

Toàn cảnh làng Nam Ô nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh làng Nam Ô nhìn từ trên cao. (Nguồn: baotangdanang.vn)

Với yếu tố tự nhiên của vùng đất ven biển, Nam Ô không có đất để sản xuất nông nghiệp nhưng lại có diện tích mặt biển rộng. Vì vậy, công việc chính của người dân nơi đây là đánh bắt thủy sản. Với nguồn tài nguyên hải sản phong phú, khai thác hải sản đã cung cấp một lượng thực phẩm lớn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong vùng và các địa phương lân cận.

Với công việc chủ yếu là đánh bắt thủy hải sản, nên ngay từ rất sớm nghề làm mắm đã rất phát triển tại Nam Ô. Với hương vị mắm ngon và phát triển sớm, nên nước mắm làng Nam Ô nhanh chóng trở nên nổi tiếng và trở thành nơi cung cấp mắm cho nhiều khu vực lân cận.

Cùng với làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng Bình Đà (Hà Nội), Nam Ô là một trong 3 làng sản xuất pháo nổi tiếng nhất cả nước ở thế kỷ 19. Những năm đầu, làng chỉ sản xuất loại pháo hiệu hỏa tốc từ thuốc súng có sẵn cho quân triều đình. Sau dần dân làng mày mò và làm ra loại pháo kết thành dây sử dụng trong những dịp lễ , Tết. Năm 1994 khi nhà nước có chỉ thị cấm pháo, việc sản xuất pháo tại làng đã ngừng hoạt động.

Nghề làm nước mắm Nam Ô- Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Người dân Nam Ô luôn tự hào về nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời, tạo ra loại nước nắm Nam Ô hảo hạng mà ngày trước được dùng để tiến Vua. Quá trình làm ra những hũ mắm Nam Ô tuyệt hảo phải trải qua nhiều công đoạn nghiệm ngặt, đòi hỏi kỹ thuật và trình độ tay nghề của người làm mắm.

Theo các bậc cao niên của làng thì nghề làm mắm ở đây khởi nguồn là người Chăm. Sau nhiều lần di dân trong lịch sử, người Chăm đã đến định cư và mang nghề làm nước mắm cùng với văn hóa sử dụng nước mắm đến với Nam Ô. Dần dần, người Nam Ô đã tiếp nhận và sáng tạo kỹ thuật sản xuất nước mắm theo cách riêng của họ. Có thể nói, nghề làm nước mắm Nam Ô là kết tinh của quá trình giao lưu văn hóa Việt – Chăm.

Nam Ô trong ngày lễ đón bằng côn nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ đón bằng công nhận “nghề làm mắm Nam Ô” là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. (Nguồn: laodong.vn)

Tháng 8/2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đưa nghề làm nước mắm Nam Ô vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để tôn vinh những giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sự của nghề. Hiện nay, Nam Ô có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 54 hộ tham gia vào Hội làng nghề nước mắm truyền thống. Những hộ sản xuất trong hội được cấp thẻ hội viên và có chứng chỉ hành nghề, chịu sự quản lý, giám sát của Hội làng nghề để đảm bảo chất lượng và uy tín của nghề mắm Nam Ô.

Trải nghiệm tại làng nghề nước mắm Nam Ô Đà Nẵng có gì?

1. Tìm hiểu về quy trình làm nước mắm Nam Ô Đà Nẵng truyền thống

Hiện nay, quy trình làm mắm Nam Ô vẫn được giữ nguyên theo cách truyền thống, không sản xuất mắm theo cách làm mắm công nghiệp. Đến làng nghề Nam Ô, bạn sẽ được chứng kiến tận mắt quy trình sản xuất ra những chai nước mắm Nam Ô chính gốc tại các cơ sở và hộ dân làm mắm trong làng.

Du khách thích thú khi tìm hiểu về quy trình làm mắm Nam Ô
Du khách thích thú khi tìm hiểu về quy trình làm mắm Nam Ô. (Nguồn: vanhoadoanhnghiepvn.vn)

Nước mắm của làng được làm từ loại cá cơm than được đánh bắt vào tháng 3, tháng 8. Đây là lúc cá cơm có độ đạm cao nhất và đánh bắt được với số lượng lớn. Cá tươi sau khi được đánh bắt sẽ được ướp cùng với loại muối già Cà Ná, đây là loại muối chắc hạt và được ủ kỹ càng trong một năm để giảm độ chát của muối.

Cá được ướp cùng muối trong những chum gốm từ 12 – 18 tháng. Sau đó được lọc thủ công bằng những chiếc vuộc tre để tạo ra loại mắm nhĩ nguyên chất. Khi lọc xong mắm sẽ được bảo quản trong những chum nhỏ hơn để giữ được vị thơm ngon đặc trưng, khi dùng sẽ triết ra các chai nhỏ hơn để tiện sử dụng.

Nắm được ủ trong những chum gốm để tạo nên hương vị đặc trưng.
Nắm được ủ trong những chum gốm để tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng. (Nguồn: vinpearl.com)

Không chỉ tìm hiểu về quy trình làm mắm, mà du khách khi còn có thể mua mắm ngay tại đây về làm quà, không phải lo lắng về việc mua phải mắm giả, mắm kém chất lượng. Ngoài ra, mắm khi mua tại các hộ dân luôn rẻ hơn so với mức giá tại các cửa hàng bán đặc sản trong thành phố.

2. Trải nghiệm một ngày làm người dân Nam Ô

Du khách khi đến đây sẽ được trải nghiệm một ngày làm người dân Nam Ô, khám phá những công việc hàng ngày của những người dân làng mắm ven biển. Có thể tham gia vào các công đoạn làm mắm hay ra khơi đánh bắt cá cùng ngư dân. Chắc chắn đây là những trải nghiệm mà chỉ có tại Nam Ô khi bạn tới Đà Nẵng.

Du khách trải nghiệm quy trình ủ cá trong những hũ thủy tinh nhỏ.
Du khách trải nghiệm quy trình ủ cá trong những hũ thủy tinh nhỏ. (Nguồn: qdnd.vn)

Sau khi quan sát quá trình làm mắm, du khách sẽ được người dân hướng dẫn và bắt tay vào những côn đoạn làm ra những mẻ mắm Nam Ô chất lượng. Du khách sẽ được tự tay mình ủ cá cơm với muối và lọc mắm bằng những chiếc vuộc tre thủ công. Sau đó có thể nếm thử ngay hương vị của những giọt mắm vừa được lọc.

Trải nghiệm tham gia vào những hoạt động đánh bắt cá cùng với ngư dân.
Trải nghiệm tham gia vào những hoạt động đánh bắt cá cùng với ngư dân. (Nguồn: internet)

Du khách sẽ được trải nghiệm làm ngư dân với những công việc như kéo lưới, đánh bắt cá trên thuyền thúng dưới sự hướng dẫn của ngư dân tại đây. Sau khi thu hoạch được những mẻ cá, du khách có thể đi cùng với ngư dân đến chợ cá để bán và chứng kiến khung cảnh tấp nập nơi đây.

Những địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến Nam Ô

Nam Ô hiện chưa được đẩy mạnh khai thác du lịch nên những địa chỉ chúng tôi giới thiệu dưới đây đều giữa được vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Đặc biệt khi tham quan, khách du lịch sẽ không mất phí tham quan hay bất kỳ loại phí nào.

1. Bãi rạm Nam Ô

Bãi rạm Nam Ô là điểm đến thu hút sự quan tâm của khách du lịch khi đến làng. Từ khu vực sân bóng Nguyễn Văn Trỗi, đi thẳng men theo bờ biển khoảng 200m là đến rạm Nam Ô. Đây là khu vực bãi đá với lớp rêu xanh mướt được nhiều người lựa chọn để check-in.

Bãi rạm Nam Ô với khung cảnh đẹp yên bình, hoang sơ.
Bãi rạm Nam Ô với khung cảnh đẹp yên bình, hoang sơ. (Nguồn: laodong.vn)

Rạm Nam Ô dài khoảng 300m và rộng hơn 2 héc- ta, gồm 2 rạm chính là rạm Cả và rạm Con. Rạm Cả gồm nhiều tảng đá lớn với phần hình thù gai góc, còn rạm Con lại gồm những tảng đá nhỏ, trơn nhẵn tạo nên khung cảnh hiền hào hơn.

Để có thể chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp nhất, du khách nên đến rạm vào lúc 5-6 h sáng. Đây là thủy triều chưa lên, bãi rạm sẽ lộ ra những lớp rêu xanh mát hòa cùng ánh nắng bình minh tạo nên khung cảnh nên thơ và cho ra những bức hình đẹp nhất.

Ngoài ra, đến rạm Nam Ô, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như lặn ngắm san hô, tắm biển, chèo thuyền thúng, thuê cano ra biển, mở tiệc nướng và cắm trại trên bãi cát ở rạm. Lịch trình mà nhiều người lựa chọn là đến rạm vào khoảng buổi chiều để tắm biển, tối mở tiệc và dựng lều ngủ qua đêm tại đây để đến buổi sáng có thể ngắm nhìn khung cảnh đẹp nhất trong ngày của rạm Nam Ô.

2. Di tích Đình Xuân Dương

Đình Xuân Dương là nơi chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa và lịch sử của Đà Nẵng. Đây từng là điểm bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên năm 1946 của khu vực huyện Hòa Vang. Đường đến đình rất dẽ tìm, từ làng đi dọc đường quốc lộ 1A rồi rẽ phải tại khúc cua cạnh quán gỏi cá Vinh khoảng 40m là tới đình Xuân Dương. Đình nằm tựa trên vách đá, dưới bóng cây cổ thụ của làng.

Đình Xuân Dương là một trong những di tích có kiến trúc cổ kính đẹp nhất Đà Nẵng.
Đình Xuân Dương là một trong những di tích có kiến trúc cổ kính đẹp nhất Đà Nẵng. (Nguồn: dulichdaiviet.com)

Đình Xuân Dương được xây dựng từ thời vua Tự Đức (1848 – 1883) và đã trải qua nhiều lần tu sửa. Ban đầu được xây dựng với những vật liệu đơn giản như tranh tre, vách nứa. Đến năm Thành Thái thứ 12 -1900, đình được xây lại bằng vôi và đá với kết cấu sườn gỗ, được lựa chọn làm nơi thờ cúng đời vua Lê Chân Tông. Năm 1937 vua Bảo Đại cho tiến hành cuộc đại tu lại ngôi đình, đây là lần tu sửa lớn nhất và làm thay đổi nhiều khác biệt về diện mạo cào cấu trúc đình.

Sau lần đại tu, đình có kiến trúc đẹp mắt được thiết kế theo kiểu “chồng rường giả thủ”. Đây là kiểu kiến trúc gồm nhiều rường cột trồng lên nhau và được trạm trổ với hoa văn cầu kỳ. Các con rường được liên kết với nhau bởi hai đầu trụ gỗ chắc chắn và được khắc những hình thù con vật như chim, dơi. Đến nay dù đã trải qua nhiều biến cố lịch sử và tu sửa nhưng ngôi đình vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp uy nghi sau lần đại tu.

Bức hoành phi khắc hai chữ Tổ Quốc được đặt ở chính điện đình Xuâ Dương.
Bức hoành phi khắc hai chữ Tổ Quốc được đặt ở chính điện đình Xuâ Dương. ( Nguồn: thanhnien.vn)

Năm 1964, một công ty của Hoa Kỳ thỏa thuận với chính quyền mua toàn bộ hòn núi phía sau đình để lấy vật liệu làm sân bay Đà Nẵng. Dân làng Nam Ô nhất mực phản đối và kiên quyết giữ lại ngôi đình và ngọn núi. Khi ấy, ông Xã Thái vốn là người có tiếng nói khắp vùng, trước làm quan thời Bảo Đại đã bỏ tiền thuê thợ giỏi làm ra bức hoành phi khắc chữ “Tổ quốc” mang đặt lên đặt ở chính điện của đình. Vì ông nghĩ nếu ngôi đình của làng mà thờ Tổ quốc thì ai cũng phải “kiêng” đụng tới, nhờ vậy mà ngôi đình vẫn được giữ lại đến ngày nay.

3. Ngôi mộ cổ gắn liền với giai thoại Tiền Hiền

Ở làng Nam Ô ngày nay còn tồn tại một ngôi mộ đá đã có tuổi đời hàng trăm năm. Ngôi mộ chỉ cách mỏm Hạc chừng 200 m về hướng bắc và cách mép nước biển chỉ vài chục mét nên không khó tìm. Người dân Nam Ô gọi đây là ngôi mộ Tiền Hiền vì nó gắn liền với giai thoại được truyền tai nhau về vị Tiền Hiền của làng.

Ngôi mộ cổ với đường kính 5m được xây dựng chủ yếu bằng đá.
Ngôi mộ cổ với đường kính 5m được xây dựng chủ yếu bằng đá. (Nguồn: thanhnien.vn)

Giai thoại này gắn liền với câu chuyện về trận chiến giải cứu Huyền Trân công chúa nhà Trần. Sau khi Huyền Trân thành thân với vua Chế Mân gần một năm thì vua Chế Mân qua đời. Theo tục lệ của người Chiêm, “vua chết, hậu phải chết theo”, nhưng do Huyền Trân đang mang thai nên việc hỏa thiêu được phép lùi lại. Biết chuyện vua Trần Anh Tông là anh trai công chúa đã sai Trần Khắc Chung sang Chiêm quốc viếng tang và tìm cách giải cứu công chúa Huyền Trân về nước.

Trên đường trở về Đại Việt, đoàn công chúa Huyền Chân có ghé qua làng Nam Ô và trú tạm ở đây một thời gian. Sau đó quân Chiêm phát hiện và đến bao vây, một viên tùy tướng đã chỉ huy toán quân liều chết ngăn chặn quân Chiêm để Trần Khắc Chung đưa Công chúa Huyền Trân ra khơi trở về Đại Việt. Cuối cùng viên tùy tướng đã anh dũng hy sinh. Dân làng chôn cất và phong tùy tướng làm tiền hiền của làng để tưởng nhớ công lao và sự hi sinh của ngài.

Cận cảnh nhà bia được dựng trước mộ cổ vào năm thứ 6 Minh Mạng.
Cận cảnh nhà bia được dựng trước mộ cổ vào năm thứ 6 Minh Mạng. (Nguồn: baoquangnam.vn)

Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), ngôi mộ đã được tôn tạo lại với những vật liệu bằng đá và vôi vữa chắc chắn. Sau đợt tôn tạo này, trước mộ được dựng lên một bia đá khắc 2 câu đối “Hóa công lưu nghiệp thiên thu tại”, “Ba huệ khai cơ vạn cổ tồn”. Theo nhiều tài liệu ghi chép, ngôi mộ còn được trùng tu, tôn tạo vào các năm 1965 và năm 1993 bằng vật liệu gạch xi măng kiên cố.

4. Dinh Cô Hồn

Dinh Cô Hồn còn hay được gọi là Miếu Âm Linh sát bên phải Lăng Ông Ngư. Từ đường quốc lộ 1A rẽ vào kiệt 884 Nguyễn Lương Bằng, chạy thẳng đến cuối đường thì rẽ phải. Đi thêm khoảng chừng vài chục mét theo hướng đâm ra biển là đến Dinh Cô Hồn. Đường đến dinh đều được đổ bê tông khá bằng phẳng và dễ đi, có thể sử dụng cả xe máy và ô tô để di chuyển.

Miếu Âm Linh gắn liền với nhiều cột mốc và ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Miếu Âm Linh gắn liền với nhiều cột mốc và ý nghĩa lịch sử sâu sắc. (Nguồn: vietnamnet.vn)

Trong những năm 1858- 1862 quân Pháp đánh chiếm cách vùng đất ra tận cửa biển Đà Nẵng. Trong các trận chiến chống lại quân Pháp, quân lính triều đình cùng với dân binh địa phương tử trận rất nhiều. Vì thế triều đình vua Tự Đức sau đó đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ các tử sĩ. Sau biến cố thất thủ kinh đô Huế năm 1885, vua Thành Thái khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ trong trận chiến năm đó. Theo sắc dụ, dân làng Nam Ô đã tôn tạo lại và mở rộng Miếu Âm Linh.

Miếu Âm Linh sau này khi đất nước hòa bình, miếu được dân làng mở rộng để thờ thập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phương không nơi nương tựa của các dòng họ trong làng.  Vì vậy miếu thờ không chỉ thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn tri ân tử sĩ mà còn là tinh thần nhân đạo truyền thống của dân tộc. Nơi đây đã trở thành tụ điểm tâm linh của người dân làng Nam Ô.

Lễ hội truyền thống của người dân làng nghề nước mắm Nam Ô

Lễ cầu ngư truyền thống làng Nam Ô

Hầu hết các làng chài ở Việt Nam đều có lăng Ông Ngư với tín ngưỡng thờ cúng Nam Thần Hải hay còn gọi là Cá Ông. Những người dân chài coi loài Cá Voi là vị thần của của biển cả, thường cứu giúp người bị nạn trên biển và tôn sùng là Cá Ông. Ở Nam Ô cũng xây dựng lăng Cá Ông và tổ chức lễ cầu ngư hằng năm giống như nhiều làng chài khác.

Nghi thức lễ chính được tổ chức tại Lăng Ngư Ông.
Nghi thức lễ chính được tổ chức tại Lăng Ngư Ông. (Nguồn: laodong.vn)

Lễ hội cầu ngư thường được tổ chức từ 14- 16 tháng 2 âm lịch khi những chuyến tàu đầu tiên ra khơi trong năm mới. Lễ hội được lên kế hoạch tổ chức bởi các bô lão trong làng và được chia thành 2 phần lễ và hội. Phần lễ được tổ chức tại lăng Ngư Ông với những lễ chính là lễ bến, lễ túc và lễ chánh do các bô lão thực hiện. Còn phần hội được tổ chức ở khu vực biển với những phần thi như đua thuyền, kéo co và đánh bóng chuyền dành cho tất cả mọi người cùng tham gia.

Phần hội được tổ chức trên biển thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Phần hội được tổ chức trên biển thu hút được đông đảo người dân tham gia. (Nguồn: arttravel.com.vn)

Trước khi lễ hội diễn ra khoảng 10 ngày, dân làng sẽ họp tại lăng Ngư Ông để lên kế hoạch. Trong buổi họp, làng sẽ dự trù kinh phí tổ chức và kế hoạch lễ hội. Sau đó những già làng có uy tín sẽ đứng ra vận động dân làng, các tổ chức, nhà từ thiện để đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội Cầu Ngư. 7 ngày trước khi diễn ra lễ hội dân làng lại họp một lần nữa để lập ra các tiểu ban là ban nghi lễ, ban tư lễ, ban hậu cần và ban tổ chức.

Lễ hội Cầu Ngư thể hiện tín ngưỡng thiêng liêng của người dân nơi đây đối với Cá Ông. Lễ hội không chỉ thể hiện mong muốn, khát vọng ra khơi thuận buồm xuôi gió, những lần ra khơi bội thu với khoang cá đầy, mà còn thể hiện đời sống tinh thần đặc sắc, giàu giá trị nhân văn của ngư dân vùng biển Nam Ô.

Ăn gì khi đến làng nghề nước mắm Nam Ô Đà Nẵng?

1. Gỏi cá Nam Ô Thanh Hương

  • Địa chỉ: 1029 Nguyễn Lương Bằng, Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng
  • Mức giá: 40.000đ – 100.000đ
  • Giờ mở cửa: 10h00 – 20h00

Nhắc đến gỏi cá Nam Ô thì không thể bỏ qua quán gỏi cá Thanh Hương. Đây là quán khá lâu năm được mở từ năm 1995, đến nay Gỏi cá Thanh Hương đã có 2 cơ sở tại Đà Nẵng và trở thành một trong những nhà hàng nổi tiếng của Đà Nẵng. Đến đây du khách sẽ được thưởng thức gỏi cá Nam Ô ngon đúng điệu.

Gỏi cá Nam ô Thanh Hương được phụ vụ với hai loại ướt và khô.
Gỏi cá Nam Ô tại Thanh Hương được phụ vụ với hai loại ướt và khô. (Nguồn: mia.vn)

Quán Thanh Hương phục vụ cả hai loại gỏi cá ướt và khô cho thực khách dễ dàng lựa chọn. Loại gỏi ướt, phần cá trích tươi sống sẽ được trộn cùng nước sốt cay. Còn phần gỏi khô, cá sẽ được trộn cùng thính khô làm thịt cá ráo và săn lại, phù hợp với những ai không thích vị của cá sống.

Điều đặc biệt làm nên hương vị của gỏi cá Thanh Hương là phần nước chấm mắm nêm được làm từ cá cơm tươi. Phần sốt sánh mịn không bị loãng, có màu đẹp mắt khi chấm cảm nhận rõ được vị mắm của cá cơm tươi chất lượng. Ngoài ra, nhà hàng còn có bán thêm mắm nêm cá cơm tươi nguyên chất để du khách có thể mua về làm quà và tự làm gỏi cá tại nhà.

Quán Thanh Hương có không gian rộng rãi và nằm ngay mặt đường lớn dễ tìm.
Quán Thanh Hương có không gian rộng rãi và nằm ngay mặt đường lớn dễ tìm. (Nguồn: travelservices-lesvos.com)

Nhà hàng nằm ngay trên mặt đường lớn, cạnh sông Cu Đê nên có không gian sạch sẽ, thoáng mát và có tầm nhìn đẹp về phía cửa biển.Ngoài ra, nhà hàng còn có menu đa dạng với nhiều loại hải sản tươi sống như mực, tôm, hàu, cua, ghẹ…Vì vậy, đây là địa chỉ ăn uống rất thích hợp với những đoàn khách du lịch hoặc gia đình.

Xem thêm: Top 7 Địa Chỉ Ăn Bún Mắm Nêm Đà Nẵng Ngon Không Phải Du Khách Nào Cũng Biết

2. Hải sản tươi

Nam Ô là khu vực chưa phát triển mạnh du lịch, nên ở đây khá ít quán ăn hay nhà hàng lớn, chủ yếu là một số quán ăn phục vụ dân địa phương. Vì vậy nếu bạn là những du khách trẻ, thích khám phá, bạn có thể trải nghiệm ăn uống tựu túc, nướng hải sản ngay trên biển Nam Ô.

Hải sản có thể mua từ những khu vực chợ ngay dìa biển hoặc từ các ngư dân vừa đánh bắt về. Để có thể nướng hải sản ngay trên biển thì bạn cần chuẩn bị trước một số dụng cụ nấu ăn hoặc mượn từ các hộ dân gần đó. Thưởng thức hải sản tươi sống ngay trên bãi biển Nam Ô xinh đẹp chắc chắn sẽ là trải nghiệm rất đáng thử.

Trải nghiệm nướng hải sản tươi ngay trên bờ biển Nam Ô.
Trải nghiệm nướng hải sản tươi ngay trên bờ biển Nam Ô. (Nguồn: pullman-danang.com)

Với cách này thì du khách sẽ được ăn hải sản tươi ngon mà lại tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho bữa ăn của mình đấy. Tuy nhiên, sau khi nướng hải sản xong, du khách cần lưu ý dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực để giữ gìn vẻ đẹp của khung cảnh nơi đây.

Vừa rồi là những thông tin chi tiết về hành trình khám phá làng nghề nước mắm Nam Ô Đà Nẵng mà chúng tôi tìm hiểu và tổng hợp được. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho chuyến hành trình của bạn, chúc bạn có những trải nghiệm thú vị và đánh nhớ tại Nam Ô, Đà Nẵng.

Nguồn tài liệu tham khảo

  • Công An Thành Phố Hồ Chí Minh. (2020). Thiêng liêng lễ hội cầu ngư truyền thống Nam Ô. [online] conan.com.vn . Có tại: https://congan.com.vn/phong-su-anh/thieng-lieng-le-hoi-cau-ngu-truyen-thong-nam-o_53227.html. [Truy cập ngày 31/12/2022]
  • Vinwonders. (2022). Ghé thăm rạn Nam Ô Đà Nẵng – Bức tranh đá giữa lòng biển xanh biếc. [online] vinwonders.com. Có tại: https://vinwonders.com/vi/bai-viet-du-lich/ghe-tham-ran-nam-o-da-nang-buc-tranh-da-giua-long-bien-xanh-biec/.[Truy cập ngày 31/12/2022]
  • Xuất bản thông tin. (2020). Cụm di tích tín ngưỡng làng Nam Ô. [online] lienchieu.danang.gov.vn. Có tại: http://lienchieu.danang.gov.vn/-/cum-di-tich-tin-nguong-lang-nam-1. [Truy cập ngày 31/12/2022]

Có thể bạn quan tâm

4.9/5 - (30 bình chọn)

Tin liên quan

Mai Hương 26/05/2023

Phố Cổ Hội An | Nơi Giao Thoa Của Nhiều Giá Trị Văn Hóa Đáng...

Phố cổ Hội An được xem là nơi mà dòng chảy thời gian chững lại, cùng với đó là nhiều giá trị văn hóa tốt...

4.1/5 - (42 bình chọn)
Mai Hương 26/05/2023

Rừng Dừa Bảy Mẫu Đà Nẵng | Cùng Khám Phá Những Điều Thú Vị Chỉ...

Rừng dừa Bảy Mẫu là nơi chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử cũng như vẻ đẹp nguyên sơ khó nơi nào sở hữu được....

4.9/5 - (45 bình chọn)
Mai Hương 26/05/2023

Làng hoa Vạn Thành Đà Lạt – Điểm đến hấp dẫn không nên bỏ qua

Làng hoa Vạn Thành Đà Lạt là điểm đến hấp dẫn mà du khách không nên bỏ qua khi đến thành phố ngàn hoa Đà...

4.6/5 - (62 bình chọn)
Mai Hương 26/05/2023

Làng cù lần – Điểm du lịch dã ngoại tuyệt vời khi đến Đà Lạt

Làng Cù Lần là một điểm du lịch dã ngoại tuyệt vời khi đến Đà Lạt. Nơi đây rộng rãi và thoáng mát. Đồng thời...

4.5/5 - (48 bình chọn)

Nền tảng du lịch số 1 Việt Nam

Website hoạt động trong lĩnh vực du lịch với chủ đề chính truyền tải những thông tin về các địa điểm du lịch của Việt Nam, những kiến thức giúp bạn đọc hiểu được hơn về các vùng miền trên toàn quốc.

2Trip có một định hướng lối đi rõ ràng, là cầu nối giữa người cung cấp dịch vụ du lịch và khách hàng trải nghiệm du lịch

Đăng ký email để nhận tin mới nhất

© Bản quyền 2trip.vn 2023 -

DMCA.com Protection Status